Hàng dởm bủa vây du khách

Thứ hai, 30/11/2015, 13:15
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn ngập ở các trung tâm thương mại, bủa vây từ chợ đêm Bến Thành ra các con đường tập trung đông đúc khách du lịch ở TP.HCM...
Chợ đêm Bến Thành toàn hàng nhái, kém chất lượng
Ở nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới, chợ đêm chính là sản phẩm du lịch đặc trưng không thể thiếu. Tại đây, du khách không chỉ thưởng thức ẩm thực địa phương, mua sắm sản vật bản địa mà còn có dịp khám phá đời sống văn hóa của cư dân ở điểm đến.
Chợ đêm Bến Thành được thành lập hơn 10 năm trước không nằm ngoài mục đích đó. Thế nhưng, có đi chợ đêm mới thấy sự thất bại của ngành du lịch TP.HCM trong việc tạo ra sản phẩm du lịch và cách kiếm tiền từ du khách tệ ra sao.
“Ăn” chửi ở chợ đêm Bến Thành
Chen lẫn trong các gian hàng thời trang, giỏ xách, giày dép… được dựng lên một cách tạm bợ để bán từ 19 giờ cho tới khuya là các quán ăn cũng tồi tàn không kém. Theo một hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM, du khách đến đây chủ yếu để coi không khí buôn bán, chứ ít mua đồ hoặc ăn uống. Có mua cũng chỉ mua những thứ rẻ tiền như áo in chữ Việt Nam, móc khóa…
“Tôi không bao giờ giới thiệu cho khách đến chợ đêm Bến Thành. Trong các chương trình tour, chợ đêm Bến Thành cũng không được nêu ra. Tuy nhiên, vì quá thiếu chỗ vui chơi vào ban đêm nên khách cũng tìm đến chợ nếu có thời gian rảnh sau bữa ăn tối. Tôi luôn căn dặn khách vào chợ đêm Bến Thành phải trả giá, kể cả ăn uống; mang ba lô ở trước bụng để phòng ngừa mất đồ và phải luôn nhớ hàng hóa ở đây đa phần là giả, nhái”, hướng dẫn viên này cho biết.
Nếu chợ đêm là nơi bán các sản vật Việt Nam cho du khách, quà tặng mang tính biểu tượng của TP.HCM hoặc món ăn hấp dẫn, sạch sẽ chắc chắn mang lại nguồn thu lớn cho thành phố. Đằng này, chợ đêm bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng thì khách chỉ đi một lần cho biết. Ngành du lịch cần tổ chức lại chợ đêm Bến Thành, dẹp hết các cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái...
Giám đốc một công ty du lịch
Trong vai khách du lịch đi chơi chợ đêm Bến Thành vào tối cuối tuần, chúng tôi nhận thấy có khá đông du khách đi bộ dọc các cửa hàng. Có hàng trăm cửa hàng ở chợ đêm, nhưng những cửa hàng bán sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đếm trên đầu ngón tay như cà phê, trà, sơn mài; chủ yếu là đồ thời trang, túi xách nhìn giá đã biết ngay là hàng giả, hàng nhái.
Hỏi mua một túi xách “hàng hiệu” nước ngoài, chị bán hàng nói giá 800.000 đồng. Chúng tôi than đắt, chị liền giảm giá còn 600.000 đồng, nhưng trả 300.000 đồng chị cũng đồng ý bán. Chúng tôi nói “sẽ quay lại mua sau khi dạo một vòng” liền bị chị chửi một tràng tiếng Việt.
Một cái áo thể thao hàng hiệu giá 280.000 đồng, trả giá 100.000 đồng, chủ cửa hàng “OK” ngay. Ở đây, người bán hàng ngọt ngào dụ khách vào xem hàng và trả giá thoải mái, nhưng nếu khách không mua liền bị chửi vuốt mặt không kịp bằng tiếng Việt.
Chỉ một vòng chợ đêm, chúng tôi bị chửi 5 - 7 lần vì “cái tội” xem hàng, trả giá mà không mua. Họ chửi có phần tục tĩu, nhưng do giả vờ là khách nước ngoài, nên chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi bỏ đi. Có cửa hàng, khách vào coi đồ không mua đã bị “đốt phong long”.
Một số gian hàng bày bán tranh sơn mài nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những người có kinh nghiệm đều biết, các loại tranh giá rẻ kiểu này chỉ cần treo một thời gian ngắn là bong tróc. Các cửa hàng bán trà, cà phê chưng lên vài gói sản phẩm có thương hiệu nhưng hàng bán cho khách là thứ khác, không rõ xuất xứ.
Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM tỏ vẻ tiếc nuối: “Nếu chợ đêm là nơi bán các sản vật Việt Nam cho du khách, quà tặng mang tính biểu tượng của TP.HCM hoặc món ăn hấp dẫn, sạch sẽ chắc chắn mang lại nguồn thu lớn cho thành phố. Đằng này, chợ đêm bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng thì khách chỉ đi một lần cho biết. Ngành du lịch cần tổ chức lại chợ đêm Bến Thành, dẹp hết các cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái; tổ chức lại cách buôn bán để không nói thách “trên trời”; hàng ăn phải vệ sinh hơn. Đừng nên lãng phí tiềm năng của chợ đêm như vậy nữa”.
Trung tâm thương mại… hàng dỏm
Cầm trên tay chiếc đồng hồ nhái một thương hiệu rất nổi tiếng trên thế giới, vợ chồng ông Alexey, du khách người Nga, trả 1 triệu đồng cho chủ cửa hàng trong Trung tâm thương mại Taka Plaza (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) rồi tiếp tục hành trình tham quan các điểm đến khác trong thành phố.
Cửa hàng đồng hồ này nằm gần cửa ra vào Taka Plaza, một trung tâm mua sắm hàng nhái nổi tiếng ở TP.HCM. Ở đây, một chiếc “siêu” đồng hồ Piaget nạm kim cương có giá 65 USD, còn chiếc đồng hồ siêu sang hiệu Rolex khảm sứ xanh giá 150 USD… Dĩ nhiên, giá này chưa phải giá cuối cùng. Chủ cửa hàng thừa nhận tất cả đều là hàng nhái, nhưng cam kết “chất lượng” đảm bảo.
Theo chân vợ chồng Alexey, chúng tôi đến Bưu điện TP.HCM. Bên trong bưu điện, hai bên cánh gà là dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm như túi xách thổ cẩm, đồ sơn mài, sành, sứ… Tuy nhiên, hầu hết đều là hàng “3 không”: không nơi sản xuất, không cơ sở sản xuất, không thương hiệu.
Với ưu thế nằm trong khuôn viên một trong những nơi tập trung đông đúc du khách quốc tế nhất TP.HCM, nên các cửa hàng bên trong bưu điện luôn thu hút một lượng lớn khách mua đồ. Vợ chồng Alexey sau khi tham quan cũng ghé vào cửa hàng. Bà vợ chọn mua vài sợi dây gỗ đeo tay. Câu bà hỏi đầu tiên không phải là giá bao nhiêu, mà chúng được sản xuất ở Việt Nam hay ở đâu. Người bán hàng trả lời tất cả đều được sản xuất ở trong nước, nhưng ở đâu thì không rõ.
Trên các diễn đàn tư vấn du lịch nước ngoài, nhiều người cảnh báo khi đến Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, phải tìm hiểu thật kỹ càng để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giá cao. Mặc dù vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống trong ngành du lịch Việt Nam.
Ở TP.HCM, nếu muốn mua tranh sơn mài rẻ tiền, du khách có thể tìm ở đường Lê Lợi; mua đồng hồ giả có thể đến Đồng Khởi; mua giỏ xách nhái thì tới chợ Bến Thành; mua quần áo, giày dép nhái có thể vào Saigon Square, Taka Plaza... Hàng giả, hàng nhái có ở khắp nơi trên thế giới, được bày bán công khai, nhưng tập trung vào cả nơi gọi là trung tâm thương mại thì ngoài Trung Quốc chỉ có Việt Nam.

Theo Báo Thanh Niên

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn