Nhánh truyền thông Nhà nước Hồi giáo đăng tải hình ảnh nhóm phiến quân diễu hành ở thành phố cảng Sirte, Libya, hồi tháng 2 |
Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi tháng 2 tuyên bố hiện diện tại Sirte, Libya. Thành phố ven bờ Địa Trung Hải này giờ đã trở thành khu vực đầu tiên nhóm phiến quân kiểm soát ngoài Iraq và Syria.
Số lượng phiến quân IS ở Sirte thời gian qua tăng từ 200 tên lên khoảng 5.000 tên, trong đó có cả những kẻ giữ vai trò quản lý và chuyên gia tài chính, Wall Street Journal dẫn lời các quan chức tình báo Libya, cư dân và nhà hoạt động trong khu vực, cho biết.
IS lợi dụng sự chia rẽ sâu sắc ở Libya, có hai chính phủ đối lập, để thiết lập thành trì mới tại thành phố cách không xa Italy này. Nhóm phiến quân loại bỏ sự thách thức từ các nhóm dân quân liên kết với chính quyền và kêu gọi tuyển mộ người biết cách vận hành những cơ sở dầu khí gần Sirte.
Sirte, dân số khoảng 700.000 người, là cửa ngõ dẫn đến nhiều khu vực có dầu mỏ và nhà máy lọc dầu ở xa hơn về phía Đông, mục tiêu của IS trong năm ngoái. Giới chức Libya lo ngại việc IS tìm cách chiếm thêm nhà máy lọc dầu để tăng cường nguồn thu chỉ còn là vấn đề thời gian.
"Chúng đã thể hiện rõ ý định", Ismail Shoukry, lãnh đạo tình báo quân đội trong khu vực bao gồm Sirte, nói. "Chúng muốn mở rộng cuộc chiến sang Rome".
Kể từ đầu năm 2014, Libya nằm dưới sự điều hành của hai chính phủ, dẫn đến đất nước bị chia rẽ. Chính phủ được quốc tế công nhận và một số cường quốc khu vực ủng hộ đặt trụ sở ở thị trấn Tobruk, phía Đông Libya. Ở phía Tây là chính phủ tự phong của phe Hồi giáo, đặt trụ sở tại Tripoli.
"Chúng tôi không có một quốc gia thực sự. Chúng tôi có chính phủ không thống nhất", Fathi Ali Bashaagha, chính trị gia từ thành phố Misrata, nói. "Mỗi ngày chúng tôi trì hoãn thỏa thuận chính trị đều là cơ hội vàng cho IS phát triển".
IS kêu gọi tân binh hãy đến Libya thay vì Syria, giới chức tình báo Libya cho biết. |
"Sirte sẽ không thua kém gì Raqqa" là câu nói thường xuyên được các chỉ huy IS sử dụng trong chương trình phát thanh ở Sirte, theo một số cư dân và nhà hoạt động tại thành phố. Raqqa là thành trì chính của nhóm phiến quân ở Syria.
IS áp đặt các quy định đối với Sirte tương tự như những nơi chúng kiểm soát ở Syria. Âm nhạc, hút thuốc và mạng điện thoại di động bị cấm, phụ nữ phải che kín người khi ra đường, tòa án áp dụng luật Hồi giáo Shariah. Tuy nhiên, chúng không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, khám chữa bệnh.
"Không có dịch vụ, chỉ có trừng phạt", Omar, kỹ sư dân sự 33 tuổi, tháo chạy khỏi Sirte sau khi tham gia phong trào chống IS nhưng thất bại, nói. "Sirte đã trở nên đen tối".
Dabiq, tạp chí tuyên truyền của IS, số mới đây dẫn lời Abu Mughirah al-Qahtani, người tự nhận là "lãnh đạo" IS ở Libya, tuyên bố sẽ lợi dụng tình hình địa chính trị cùng nguồn dự trữ dầu của Libya để làm gián đoạn an ninh và kinh tế châu Âu.
Khoảng 85% lượng dầu thô do Libya sản xuất được chuyển sang thị trường châu Âu, trong đó Italy là bên mua lớn nhất, trong năm 2014. Italy cũng tiêu thụ khoảng một nửa sản lượng khí đốt tự nhiên của Libya.
Các nước giáp Libya đã gia tăng mức độ cảnh giác. Tunisia hôm 25/11 thông báo đóng cửa biên giới với Libya trong vòng 15 ngày, sau khi IS nhận trách nhiệm đánh bom tự sát một xe buýt ở thủ đô Tunis, làm 12 cận vệ Tổng thống nước này thiệt mạng. Tunisia còn đang xây một bức tường an ninh dọc theo một phần ba biên giới với Libya để ngăn dòng phần tử cực đoan xâm nhập.
Mỹ trong tháng lần đầu tiên triển khai một đợt không kích nhằm vào IS ở Libya. Washington sau đó thông báo tiêu diệt Abu Nabil al-Anbari, một trong những cấp phó hàng đầu của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Anbari được điều sang Libya từ năm ngoái để thiết lập nhánh IS tại đây.
Theo VNE