Phòng khám có… chuông báo động |
Trong vai cặp vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi tìm đến Phòng khám đông y Tâm Đức (số 945-947 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5). Đóng 100 nghìn đồng tiền công khám nhưng không có hóa đơn chứng từ, chúng tôi được nhân viên dẫn vào nơi có 2 người phụ nữ mặc áo blouse trắng, không đeo bảng tên, “khám” bệnh.
“Chồng chị thường thức khuya, khí sắc không tốt, tinh trùng yếu… Nên cần ưu tiên uống thuốc trước, cả thuốc thang kèm thuốc viên, để thanh nhiệt, giải nhiệt, lợi gan, tráng dương, bổ thận, nâng cao thể trạng, chất lượng tinh trùng”- cả hai người này thay nhau phán. Theo hai “bác sĩ”, chúng tôi đã mắc chứng vô sinh thứ phát và giá thuốc uống trong 1 tháng (gồm 33 thang) là 15 triệu đồng. Sau đó, không hề ra toa thuốc, hai vị này mời chúng tôi ra quầy thuốc đóng tiền. Nhân viên tại đây thu 12 triệu đồng cộng với 200 USD, và cũng không hề có biên lai.
Ngày 22/9, trong lúc chúng tôi đang thanh toán tiền thuốc sau khi khám bệnh, bỗng dưng hệ thống chuông báo động tại phòng khám reo inh ỏi. Vài phút sau chúng tôi thấy đoàn Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xuất hiện. Lúc này các nhân viên gọi nhau tẩu tán thuốc, đẩy chúng tôi và bệnh nhân xuống phòng khách rồi “hứa” sẽ giao thuốc xuống sau hoặc giao tận nhà (?).
Chúng tôi không phải là nạn nhân duy nhất của phòng khám này, trước đó ngày 11/7, bà Trần Thị Đường ngụ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Cao Thị Thu, ở quận 12, TP.HCM khi đến khám bệnh tại đây cũng bị “chặt chém” tương tự. Theo bà Đường, bà được một “bác sĩ” người Trung Quốc trực tiếp khám và cho thuốc với liệu trình 30 ngày kèm số tiền phải trả 15 triệu đồng. “Tất cả các loại thuốc được gói trong túi nylon, bên ngoài túi giấy, không tên, không nhãn mác”- bà Đường cho hay.
Có hay không được bảo kê?
Hôm 24/11, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc xử phạt vi phạm hành chính đối Phòng khám Tâm Đức sau khi Thanh tra sở phát hiện nhiều sai phạm tại đây. Theo đó, sở đề xuất phạt phòng khám trên số tiền 375 triệu đồng cho các vi phạm bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác, quảng cáo các dịch vụ đặc biệt sai quy định, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn…
Theo lãnh đạo Sở này, một trong hai “bác sĩ” đã “khám” hiếm muộn cho chúng tôi là bà Quách Hải Huệ, thực chất chỉ là nhân viên hỗ trợ, ghi chép sổ sách cho y sĩ Hoàng Thị Bích Nguyệt, người cùng ngồi “khám”. Và “bác sĩ” đã khám cho bà Trần Thị Đường là ông Yaoruojiang (quốc tịch Trung Quốc) hoàn toàn không có chứng chỉ hành nghề. Theo xác minh của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ông này nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng vẫn mạo danh là “bác sĩ” để hành nghề bất hợp pháp.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã vào cuộc thanh tra sau khi nhiều bệnh nhân phản ánh “bác sĩ” hành nghề chui và bán thuốc không nguồn gốc ở phòng khám này. Tuy nhiên, tại đợt thanh tra này, cơ quan chức năng không phát hiện ra “bác sĩ” Yaoruojiang, người Trung Quốc khám bệnh chui, dù người này đã làm việc ở phòng khám này từ trước đó?! |
Theo Tri Thức Trẻ