Điều tra vụ ngư dân Việt Nam bị bắn chết tại Trường Sa |
Qua trao đổi trực tiếp giữa Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu với các thuyền viên trên tàu QNg-95861TS thì được các ngư dân tường trình bước đầu vụ việc như sau: Vào chiều tối ngày 26-11, tàu QNg-95861TS cho neo tàu để các ngư dân đi trên tàu thả thúng nhỏ vào các bãi rạng ở quần đảo Trường Sa hành nghề lặn biển và trên tàu chỉ còn lại 2 ngư dân là chủ tàu Nguyễn Văn Cu và thuyền viên Trương Đình Bảy. Lúc 18 giờ 15 phút cùng ngày, khi tàu đang neo đậu thì xuất hiện 2 chiếc tàu lạ áp sát và 1 tàu với 5 đối tượng xông thẳng về tàu. Tức khắc 3 trong 5 đối tượng trên tàu lạ mặt được trang bị súng nhảy lên tàu với mục đích trấn áp ngư dân trên tàu.
Ngay lúc đó, ngư dân Bảy chạy về hướng mũi neo tàu với mục đích chặt dây neo để chạy thoát những kẻ lạ mặt có vũ khí thì liền bị 1 trong 3 tên dùng súng bắn chết ngay trên tàu. Sau khi bắn chết ngư dân Bảy, nhóm người này lên tàu rời đi. Sau đó, ngư dân Cu đã báo sự việc với gia đình, đồng thời thông báo với các ngư dân đi trên tàu trở lại tàu và đưa thi thể ngư dân Bảy về đất liền.
Trao đổi với PV, ông Phùng Bá Vương, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, vụ việc này địa phương đã tiếp nhận thông tin từ phía gia đình. “Địa phương đang phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tiếp tục xác minh để làm rõ cái chết của ngư dân Bảy” – ông Vương nói.
Theo Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu thì 2 ngày tới, tàu QNg-95861TS sẽ đưa thi thể ngư dân Trương Đình Bảy về tới quê nhà. Vụ việc nghiêm trọng này cũng đã được địa phương xã Bình Châu báo cáo khẩn cấp lên cấp trên để có sự can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân khi đang hành nghề khai thác trên ngư trường truyền thống Trường Sa của Việt Nam.
Chiều ngày 29-11, trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, ông Lưu Văn Huy Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam nói thẳng: “Dù là lực lượng chấp pháp khác hay bất cứ lực lượng nào có hành động dùng vũ lực tấn công, bắn chết ngư dân ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đó là những hành động không thể nào chấp nhận được”.
“Đây là một hành động đáng lên án phải tiến hành điều tra ngay sau ngay sau khi xảy ra sự việc như trên. Ngoài ra ngư dân cần báo cáo sự việc của thể với cơ quan chức năng của địa phương cụ thể để có hướng hỗ trợ kịp thời bảo vệ ngư dân.
Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc nếu là của lực lượng chấp pháp nào đó của nước ngoài thì phải có kết luận cụ thể. Và kết luận điều tra đó phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng quy rõ trách nhiệm đối với những cá nhân lực lượng chấp pháp nước ngoài đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền”, ông Huy khẳng định.
Hiện chúng tôi cũng đang hướng dân cho các ngư dân khi cặp những sự cố tương tự cần phải báo cáo ngay với lực lượng chấp pháp của mình, để kịp thời bảo vệ ngư dân trên biển”, ông Huy cho hay.
Nói với Pháp luật TP.HCM, PGS. TS Võ Văn Trác Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam khẳng định: “Hội nghề cá Việt Nam cực lực phản đối, lên án hành động này. Việc đánh chết người là một hành động dã man. Đó là việc làm phi nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng đến người và tài sản của ngư dân Việt Nam.
“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để bảo vệ ngư dân của mình hoạt động đánh bắt trên vùng biển chủ quyền. Ngăn chặn các hành động vi phạm của lực lượng nước ngoài. Đồng thời sớm làm rõ vụ việc để ngư dân an tâm vươn khơi”, ông Trác khẳng định.
Trung tướng Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM khẳng định: “Vụ việc đang được điều tra, xác minh cụ thể”.
Theo PL TP.HCM