Đã có một thời những hãng điện tử của Nhật Bản ăn nên làm ra. Nhưng hiện nay, Sharp- biểu tượng của kinh tế Nhật một thời đã bắt đầu suy yếu.Toshiba, một ông lớn về công nghệ cũng đang gặp vấn đề. Hai công ty này là những minh chứng cho việc cải tổ “không đến đầu đến đũa”.
Chỉ 6 năm trước, Sharp đã có vị trí mạnh cạnh tranh trong ngành sản xuất tivi, màn hình LCD, tấm pin mặt trời và riêng ở thị trường Nhật Bản là điện thoại di động. Nhưng giờ đây, hoạt động của công ty ngày càng thu hẹp lại. Mảng thiết bị gia dụng đang nhỏ dần, thị trường Trung Quốc cũng không mang lại nhiều lợi nhuận như trước. Ngoài ra, không giống như một số hãng khác như Sony hay Panasonic, Sharp vẫn không thay đổi để “hợp với thời cuộc”.
Trục trặc tài chính
Ngày 14/5/2015, Sharp công bố tái cơ cấu lần thứ hai và đưa ra kế hoạch giải cứu trong 3 năm. Công ty này liên tục chìm trong nợ và lỗ. Công ty sau đó phải điều chỉnh xóa nợ 1 tỷ USD, sa thải 10% đội ngũ nhân sự, tức là khoảng khoảng 50.000 nhân công trên toàn cầu, trong đó chỉ riêng tại Nhật Bản, con số này là 3.500. Tuy nhiên, Sharp vẫn quyết tâm giữ lại các bộ phận làm ăn thiếu hiệu quả.
Đối với trường hợp của Toshiba, tin về việc công ty này không trả cổ tức do vấn đề kế toán làm cổ phiếu sụt giảm 17%. Moody’s hạ mức xếp hạng của Toshiba xuống mức “rác” - mức thấp nhất. Cũng tương tự như Sharp, Toshiba cố “ôm khư khư” mảng tivi và máy tính dù hai mảng này không hề mang lại lợi nhuận.
Ai sẽ “giải cứu” các ông lớn?
Tại Nhật Bản, ngân hàng dựa vào doanh nghiệp để sống. Và những ông lớn như Sharp mà phá sản thì ngân hàng cho vay thiệt hại không ít.Theo ông Nicholas Benes, chuyên gia đến từ BDTI Nhật Bản, trường hợp của Sharp đặt ra câu hỏi, vì sao chính phủ không cho phép các công ty nước ngoài mua lại những công ty Nhật đang làm ăn thua lỗ.
Thời điểm giữa năm ngoái, các nhà đầu tư vẫn đang ngóng đợi nhà nước “ra tay” để cứu vớt Toshiba. Bản thân công ty này cũng được “yêu chiều” đến nỗi được phép nộp báo cáo tài chính muộn. Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra phương pháp mới, đó là để doanh nghiệp nghe ý kiến bên ngoài hội đồng quản trị và yêu cầu các nhà đầu tư có tổ chức phải theo dõi công ty mình đã đầu tư vào. Song song với đó, Nhật Bản cho phép đầu tư nước ngoài vào công ty điện tử. Foxconn, hang lắp ráp iPhone của Đài Loan được phép mua một phần của Sharp.
Trong khi đó, người ta lại lo rằng các ngân hàng cho Sharp vay sẽ bán công ty này cho quỹ Innovation Network Corporation of Japan, một phần do không muốn kinh nghiệm sản xuất LCD rơi vào tay công ty nước ngoài.
Tương tự, nếu Toshiba không thể tự thải những bộ phận làm ăn không hiệu quả thì cũng có thể cầu viện INCJ.
Mục tiêu của INCJ là thu gọn lại những ngành có quá nhiều đối thủ. Khoảng 4 năm trước, quỹ này kiếm được khoản tiền không nhỏ từ bộ phận sản xuất LCD của Sony, Toshiba và Hitachi và hiện đang cố để trở thành đối tác sản xuất của Apple. Từ thành công này, người ta mong INCJ sẽ tiếp tục thành công với các ngành khác.
Ngay cả khi INCJ thành công, các cổ đông của Toshiba vẫn lo sợ, rằng họ không được hưởng lợi nhiều như trước và các vấn đề không được giải quyết triệt để.