Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí, từ khai thác đến dịch vụ, phải tính toán giảm sản lượng, lao động, chi phí... Trong ảnh: khai thác dầu khí tại giàn công nghệ trung tâm số 2 ở mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro - Ảnh: Huy Hùng |
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, cho biết giá dầu thế giới giảm sẽ tác động đến nhiều loại giá cả khác, ảnh hưởng tiêu cực đến giá thành nguyên liệu, thiết bị nhập vào.
Khi thu từ dầu thô vẫn chiếm hơn 10% trong tổng thu ngân sách thì ta dễ hiểu vì sao theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách từ dầu thô tháng 1/2016 chỉ đạt 3,2 nghìn tỉ đồng, gần bằng 6% dự toán, giảm đến 65,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 và tiếp tục đứng ở mức thấp trong những tháng đầu năm nay. Thu ngân sách từ dầu thô giảm đến 65%, hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí, từ khai thác cho đến dịch vụ đều gặp khó khăn, phải cắt giảm chi phí, sản lượng, giảm lao động...
Kinh tế VN chuyển biến tích cực hơn
Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, một mặt ngành khai thác dầu bị thiệt hại, nhưng mặt khác VN được hưởng lợi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng nếu các nước xuất khẩu dầu như Nga, Saudi Arabia, Iran… đang gặp nhiều khó khăn thì VN, do lượng nhập khẩu và xuất khẩu dầu không quá chênh lệch nên sự ảnh hưởng cũng có hai chiều.
Ông Long cho hay: “Dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với đời sống sản xuất và tiêu dùng, là mắt xích giữa quá trình vận chuyển từ sản xuất đến tiêu dùng nên dầu là một yếu tố cấu thành giá sản phẩm”.
Về tiêu cực, dầu thế giới giảm làm thất thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nguồn thu thuế.
Ở mặt tích cực, giá dầu giảm có tác động mạnh mẽ đối với các ngành sử dụng xăng dầu trực tiếp như vận tải, đánh bắt xa bờ, điện chạy bằng dầu… làm giá thành giảm, dẫn đến mặt bằng giá giảm, kích thích tiêu dùng thị trường, tăng động lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Chi phí sản xuất giảm làm lợi nhuận tăng lên, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
“Điều này giải thích vì sao trong năm 2014, 2015 khi giá dầu tuột dốc không phanh thì VN kiểm soát lạm phát rất tốt từ 1,84% còn lại 0,63%. Nhìn chung, khi giá dầu giảm kinh tế VN sẽ có chuyển biến tích cực nhiều hơn là tiêu cực”, ông Long cho biết.
Làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực?
PGS.TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, giảng viên ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) - cho biết để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá dầu thế giới giảm đến nền kinh tế VN, cần cơ cấu lại danh mục, địa điểm sản xuất xăng dầu để duy trì sản xuất tối thiểu ở những nơi có chi phí sản xuất cao và tăng khai thác ở nơi có chi phí thấp.
“Cân đối ngân sách, tiết kiệm chi. Doanh nghiệp vận tải phải giảm giá để giảm chi phí vì tất cả cước vận tải sẽ ảnh hưởng trực tiếp, chuyển lợi thế từ giá xăng dầu đến giá sản xuất” - ông Phong nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần có phương án khai thác các mỏ dầu phù hợp với từng mức giá, ở từng thời điểm khác nhau để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ông Cao Sĩ Kiêm nói: “Chúng ta đã dự kiến giá dầu năm 2016 là khoảng 70 USD/thùng nhưng với mức giảm như hiện nay, ngân sách sẽ thất thu không nhỏ. Cứ với đà chi tiêu lãng phí thì kinh tế VN rất khó chống đỡ.
Cần có các biện pháp quản lý phù hợp để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật trong khai thác dầu và trong tất cả hoạt động kinh tế khác”.
Theo Tuổi Trẻ