Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM... trình bày về đề án thí điểm GrabCar. |
Sáng nay, 25-3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng với Công ty TNHH Grab Taxi đã tổ chức hội nghị triển khai chính thức đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar tại TP.HCM. Đây là đề án thí điểm trong vòng hai năm ở năm tỉnh thành, trong đó có TP.HCM; tham gia thí điểm là công ty TNHH GrabTaxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách loại xe dưới 9 chỗ ngồi.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hội nghị nhằm mục đích công bố rộng rãi tới các phương tiện thông tin đại chúng, người dân về việc chính thức triển khai đề án xe hợp đồng điện tử GrabCar tại TP.HCM. Sở GTVT cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện đề án thí điểm này theo đúng tinh thần Quyết định 24/QĐ-BGTVT. Trong thời gian thí điểm, Sở cùng với các đơn vị có liên quan sẽ kiểm soát chặt chẽ, cập nhật số liệu để báo cáo với Bộ GTVT.
Ông Minh cho biết GrabCar là đề án thí điểm dành cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ; các biểu trưng như logo, phù hiệu… sẽ phải có đầy đủ trên GrabCar. Cho dù xe có kết nối với dịch vụ Grab nhưng không đảm bảo các yêu cầu đối với xe hợp đồng vẫn sẽ bị các cơ quan thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông xử lý.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành công ty Grab Taxi Việt Nam, cho biết các xe tham gia hệ thống sẽ phải có logo dịch vụ kết nối GrabCar, sử dụng hợp đồng điện tử tương đương hợp đồng giấy. Chúng tôi có quy trình kiểm tra đối tác, lựa chọn phương tiện vận tải theo quy định của ngành giao thông vận tải. Grab cũng có tổng đài kết nối 24/7, trả lời thắc mắc của khách hàng sử dụng GrabCar.
Nói về việc đóng thuế, ông Tuấn Anh cho biết Grab là công ty thành lập ở Việt Nam nên đảm bảo đóng thuế nghiêm túc và đầy đủ; ngoài ra Grab sẽ làm việc thêm với cơ quan thuế ở TP.HCM và các tỉnh thành khác nằm trong đề án thí điểm GrabCar.
Về đề án GrabCar, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (UBATGT) quốc gia, cho biết UBATGT ủng hộ việc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại vào đời sống, như trường hợp đề án thí điểm của Grab sẽ góp phần giảm bớt lượng xe chạy rỗng trên đường. Thực sự, Grab không phải là doanh nghiệp vận tải, họ chỉ cung ứng dịch vụ kết nối cho các doanh nghiệp vận tải nhằm tăng thêm lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngày 7-1-2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về việc ban hành “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Theo quyết định này, công ty TNHH Grab Taxi sẽ cùng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (loại xe dưới 9 chỗ ngồi) triển khai thí điểm đề án xe hợp đồng điện tử GrabCar tại năm tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà và Quảng Ninh trong vòng hai năm (từ tháng 1-2016 tới tháng 1-2018). |
Theo TB KTSG