Ví điện tử MoMo và cú đấm trị giá 28 triệu USD

Thứ tư, 23/03/2016, 12:59
Rót vốn vào MoMo, cả Goldman Sachs và Standard Chartered đều tin rằng đây là mô hình kinh doanh có nhiều khả năng phát triển tốt. Vậy MoMo có gì hấp dẫn?
Ví điện tử Momo công bố nhà đầu tư chiến lược

Cuộc chạy đua giữa các ứng dụng di động dành riêng cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn đang nóng lên từng ngày ở Việt Nam. Trong khi nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai phần mềm mobile banking của riêng mình, các công ty công nghệ cũng bắt đầu tăng tốc. Điển hình là mới đây, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) đã bắt tay với Quỹ Đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE, thuộc Ngân hàng Standard Chartered) và Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs để nhận thêm 28 triệu USD, tiếp tục phát triển thương hiệu ví điện tử MoMo.

Chưa khi nào các khoản rót vốn vào những công ty start-up ở Việt Nam lại lên đến hàng 2 con số như vậy, nhất là ở lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) hoàn toàn mới mẻ. Số tiền này chắc chắn sẽ đảm bảo cho MoMo trong kế hoạch chinh phục thị trường tiếp theo của họ.

SCPE là nhà đầu tư mới đối với MoMo khi rót thêm 25 triệu USD lần này, trong khi đây là thương vụ triệu USD thứ 2 của Goldman Sachs với MoMo, sau khi đã rót vào công ty này 5,75 triệu USD vào cuối năm 2013. Hồi tháng 7 năm ngoái, một câu lạc bộ riêng về Fintech Việt Nam cũng đã ra đời dưới sự bảo trợ của 2 định chế tài chính lớn là Quỹ Đầu tư Dragon Capital và Ngân hàng Standard Chartered, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Anh David Cameron.

Thực tế, MoMo là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi mà Goldman Sachs giải ngân vào một công ty đang nằm trong giai đoạn đầu (early stage). Theo ông Terence Ting, lãnh đạo phụ trách khu vực châu Á của Asia Private Investment - Goldman Sachs Investment Partners, một trong những lý do quan trọng khiến Goldman Sachs “chọn mặt gửi vốn” là vì hồ sơ của các nhà sáng lập, ban điều hành và cổ đông. Danh sách hội đồng quản trị và ban điều hành của M_Service có sự góp mặt của những nhân vật tiếng tăm và đầy năng lực trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin và quảng cáo.

Với hơn 2,5 triệu người dùng, ứng dụng ví MoMo cung cấp cho khách hàng khả năng thanh toán hơn 100 dịch vụ tiện ích

Tuy nhiên, nhân tố con người không thôi chưa đủ. Một yếu tố quan trọng khác giúp MoMo được rót thêm vốn chính là mô hình kinh doanh. Cả 2 đại gia rót vốn lần này đều tin rằng MoMo là mô hình kinh doanh có nhiều khả năng phát triển tốt trong tương lai. Vậy MoMo có gì hấp dẫn?

Nhà khởi nghiệp nào cũng đều cần những câu chuyện truyền cảm hứng và MoMo cũng vậy. Năm 2013, MoMo từng chia sẻ câu chuyện về dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại thành công ở Kenya, nơi lượng giao dịch qua điện thoại (chủ yếu là loại điện thoại phổ thông) phổ biến hơn nhiều so với lượng giao dịch qua ngân hàng. MoMo cung cấp 2 loại hình dịch vụ riêng biệt, ví điện tử (dành cho khách hàng có tài khoản ngân hàng, smartphone) và dịch vụ cung cấp trực tiếp tại các điểm giao dịch MoMo.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Điều hành MoMo cho biết số người dùng MoMo đã lên đến 2,5 triệu, trong đó có hơn 1 triệu khách hàng đang dùng ứng dụng ví MoMo và 1,5 triêu khách hàng được phục vụ qua các điểm đại lý MoMo. Số lượng người dùng tăng nhanh cho thấy sự linh hoạt của những công ty công nghệ so với các công ty truyền thống, vốn nặng nề và phức tạp. Đây cũng là một đặc trưng của các công ty công nghệ, có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, nếu sản phẩm thực sự mang lại sự tiện lợi và giảm chi phí  cho người dùng, mà ví dụ tiêu biểu là Uber.

Rõ ràng, câu chuyện của MoMo là điển hình cho sự đổi mới của làn sóng phát triển ví điện tử trước đây. Ra mắt từ năm 2010, gần 3 năm sau, MoMo đã đón nhận thêm dòng vốn ngoại và điều chỉnh mô hình dịch vụ kết hợp giữa trực tuyến (online) và điểm giao dịch (offline).

Ứng dụng ví MoMo là ứng dụng thanh toán đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng Top 1 trên chợ ứng dụng iOS và Android (Finance). Với hơn 2,5 triệu người dùng, ứng dụng ví MoMo cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm (one touch payment) với hơn 100 dịch vụ tiện ích, bao gồm Chuyển tiền, Thanh toán hóa đơn, Thu-Chi hộ và Thương mại trên di động.

Bên cạnh kênh thanh toán trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, MoMo cũng sở hữu hệ thống giao dịch cố định với hơn 4.000 điểm trải rộng khắp 45 tỉnh thành. Hệ thống này giúp cho khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc điện thoại thông minh có thể giao dịch chuyển tiền, nhận tiền hoặc thanh toán dịch vụ các loại tại quầy, tương tự như các chi nhánh ngân hàng hoặc bưu điện. Ông Diệp cho biết, với hơn 1,5 triệu khách hàng sử dụng các dịch vụ tại điểm giao dịch, MoMo chính là cánh tay nối dài của các ngân hàng, giúp đưa dịch vụ tài chính đến 80% dân số của Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ.

Đối với doanh nghiệp, MoMo đã hợp tác với hàng loạt các tên tuổi lớn để cung cấp dịch vụ thu hộ trên hệ thống 4.000 điểm giao dịch của MoMo: EVN, VNPT, MobiFone, Vinaphone, Vietjet Air, Fim+, FPT, VTVcab. Các công ty tài chính tiêu dùng như Home Credit, FE Credit, Prudential Finance... cũng đang hợp tác chặt chẽ với MoMo để khách hàng có thể thanh toán hàng tháng bất kỳ nơi đâu trên hệ thống đại lý MoMo. Số tiền thu hộ cho các doanh nghiệp ngày càng tăng, lên đến con số nhiều ngàn tỉ đồng trong năm 2015.

MoMo sẽ làm gì trong chu kỳ phát triển mới này? Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc M_Service, cho biết MoMo sẽ mở rộng thêm hệ sinh thái của mình. Ngoài việc nạp tiền điện thoại và thanh toán hóa đơn, điều mà MoMo đang thực hiện là khi đi ăn uống ở nhà hàng, khách sạn hay mua sắm quần áo, thay vì cà thẻ ngân hàng, khách hàng có một lựa chọn khác là rút điện thoại ra và bấm nút chuyển tiền. Trên thực tế, đã có một số hãng taxi ở Hà Nội và các chuỗi cửa hàng cà phê, quán ăn, siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM đang ứng dụng phương thức thanh toán này.

Không chỉ tăng cường kênh phục vụ, MoMo còn mở rộng thêm các điểm giao dịch. Mục tiêu sẽ đạt đến 11.000 điểm giao dịch phủ khắp toàn quốc của họ là một tham vọng lớn, bởi con số này vượt qua số bưu điện tại Việt Nam. Song việc mở rộng này có lẽ không vượt quá tầm với, vì trên thực tế, MoMo không sở hữu điểm giao dịch mà chỉ hợp tác. Thậm chí, chỉ một tiệm chạp phô nhỏ cũng có thể treo biển của MoMo, miễn là đáp ứng đủ các tiêu chí, trong đó có đào tạo nghiệp vụ ngân hàng và kiểm tra liên tục về quy định an toàn tài chính.

Có thể nói, MoMo là đại diện cho thế hệ đầu tiên của các công ty công nghệ tạo ra nền tảng cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dùng ở Việt Nam. Theo ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc nghiên cứu các Công ty tư nhân, Quỹ Đầu tư Dragon Capital, đơn vị theo dõi sát sao danh mục Fintech ở Việt Nam, đánh giá MoMo là người đi đầu ở thị trường này. “Làm để lấy quy mô trước là một lợi thế lớn. Cho dù mô hình lúc đầu có đúng có sai, nhưng với lượng khách hàng và số tiền đầu tư lớn thì họ có thể điều chỉnh”, ông Hiếu nhận định.

Standard Chartered và Goldman Sachs đều là những tay chơi có kinh nghiệm lão làng trong việc đầu tư các start-up, nhất là những trường hợp thành công của ví điện tử lẫn mô hình mobile money. SCPE có thể là lời giải đối với MoMo trong trường hợp này, khi có đại diện tham gia vào ban quản trị. “Thông thường thì start-up phải thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, thử nhiều thì sai nhiều. Các cổ đông chiến lược sẽ giúp MoMo tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc để đi đúng hướng với những kinh nghiệm đầu tư của họ”, ông Đức, M_Service, cho biết.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích