Trong kỷ nguyên tôn thờ chủ nghĩa “failing-forward” (ám chỉ tới cách mà bạn đối đầu với những thất bại mà bạn mắc phải, có sảy chân hoặc trượt ngã, nhưng không trượt tiếp hay nằm đó mà đứng dậy và tiếp tục tiến lên) và “failing-fast” (thất bại thật nhanh chóng) vốn được các nhà đầu tư và ngay cả nhà hoạch định chính sách ủng hộ đang xảy ra một điều bất thường: Sự nổi lên của những công ty khởi nghiệp xác sống (zombie).
Giống như những xác sống di động, các công ty kiểu này không chịu thừa nhận mình đã chết mà cố níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó bởi “họ không chấp nhận thất bại” và luôn ảo tưởng về “tinh thần doanh nhân anh hùng” - thứ được rất nhiều người tung hô, ca tụng.
Xu hướng huy động được một lượng vốn lớn, cùng với kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhất có thể dẫn tới tăng tỷ lệ burn-rate (số tiền các công ty khởi nghiệp sử dụng từ vốn huy động được để chi tiêu trong một tháng).
Ngoài ra, nhiều nhà sáng lập luôn bị ảnh hưởng bởi câu nói nổi tiếng của Steve Jobs rằng: “Khách hàng thường không biết họ muốn gì cho tới khi cho họ thấy một sản phẩm hoàn chỉnh”.
Đáng tiếc, đây lại là lý do hàng đầu khiến nhiều công ty khởi nghiệp thất bại bởi thị trường không có cầu đối với sản phẩm của họ.
Thống kê cho thấy với mỗi công ty được định giá 23 tỷ USD như Airbnb, có 27 công ty tương tự như vậy nhưng lại không thể đạt được thành công giống Airbnb.
Các công ty khởi nghiệp được ví như những xác sống di động là khi họ ra mắt thất bại và không thể tăng trưởng mặc dù đã có cơ hội tiếp cận tới nguồn vốn.
Thực tế việc rơi vào tình trạng “xác sống” là kết cục khá phổ biến đối với những công ty khởi nghiệp được gây vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Trong khi có gần 10% công ty khởi nghiệp thành công, khoảng 20 - 30% sớm thất bại thì số còn lại - là các công ty xác sống chỉ tạo ra doanh thu vừa đủ bù cho chi phí hoạt động, số tiền này giảm dần, công ty tiếp tục sống ì ạch trong một khoảng thời gian dài và gần như không thể duy trì được sản phẩm.
Các công ty xác sống có xu hướng tập trung tại những ngành công nghiệp có ít rào cản gia nhập, thị trường có lực hút đáng kể và đã có sự tin tưởng nhất định của các nhà đầu tư. Họ tiếp tục sống trong môi trường tích cực được tạo ra bởi những công ty dẫn đầu và đối thủ cạnh tranh, từ chối cái chết mặc dù đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ sống.
Một số đã trở nên lớn mạnh rất nhanh chóng nhưng tốc độ tăng trưởng vượt trội và thiếu nhu cầu từ phía khách hàng khiến tỉ lệ burn-rate cao hơn mức trung bình và họ chỉ thừa nhận thất bại khi đã hết sạch tiền. Thậm chí sau đó, họ vẫn cố sống lay lắt.
Mới đây, Dine In - một công ty giao đồ ăn của Anh đã tuyên bố họ không nhận được thêm vốn kể từ sau lần đầu tiên vào 4 năm trước và không thể cạnh tranh với đối thủ Deliveroo. Cuối cùng, công ty này buộc phải ngừng hoạt động.
Gần đây hơn là câu chuyện về Clinkle - một công ty xác sống đã huy động được 25 triệu USD vào năm 2013 nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa hề ra mắt bất kỳ sản phẩm nào. Clinkle gần như chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Điều đáng lo lại là ngay cả những công ty khởi nghiệp được cho là thành công, thậm chí đã tính tới chuyện IPO cũng đứng trước rủi ro rơi vào tình trạng xác sống và mất đà tăng trưởng.
Soundclound từng nhận được rất nhiều tiền đầu tư và mức chi tiêu của họ lên tới 64 triệu USD. Tuy nhiên, Soundclound chỉ tạo ra mức doanh thu “tầm thường” là 19,5 triệu USD trong năm 2014 và một lần nữa phải kêu gọi huy động thêm vốn.
Theo báo cáo của CB Insight, 69% các công ty khởi nghiệp huy động được 5 triệu USD trước khi thất bại. Trung bình các công ty khởi nghiệp thất bại thường được định giá 11,3 triệu USD trước khi ngừng hoạt động. 71% công ty phải phá sản sau ít hơn 2 năm kể từ khi hoàn thành vòng huy động vốn đầu tiên và trung bình các công ty khởi nghiệp rút khỏi thị tường sau 20 tháng.
Điều này đồng nghĩa với thực tế đau lòng là sau 15 tháng nếu các công ty khởi nghiệp không nhận được vốn từ một quỹ khác hay tìm được người mua, họ sẽ chết trên giấy tờ.
Công ty khởi nghiệp giao hoa BloomThat gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý khi nhà sáng lập tuyên bố phá sản sau khi "đốt sạch" hơn 550.000 USD trong vòng 1 tháng và chỉ tồn tại được 4 tháng.
Đây là ví dụ điển hình về tâm lý “bùng cháy” của nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Thông thường các nhà đầu tư có xu hướng tránh đầu từ vào những công ty ít có khả năng “đốt tiền”.
Tại sao ư? Bởi mức chi tiêu thấp có nghĩa là công ty này có nhu cầu về tài chính ít, không có triển vọng và bế tắc. Mặt khác, tỷ lệ chi tiêu cao có nghĩa là họ đang theo đuổi chiến lược chấp nhận rủi ro và tấn công nhanh chóng - con đường tốt nhất để đạt được tốc độ tăng trưởng chóng mặt.
Thật không may, kết quả không được như mong muốn. Có tới 29% công ty khởi nghiệp được chống lưng bởi các quỹ đầu tư thường không tiết lộ lý do thật sự họ thất bại là vì... hết tiền. Chỉ 8% thành thật thừa nhận sự thật này.
Hơn nữa trong thời điểm bong bóng công nghệ bùng nổ như hiện nay, các công ty khởi nghiệp ngày càng khó khăn trong việc huy động vốn và tìm cơ hội bán mình. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng các công ty xác sống sẽ gia tăng đáng kể và nó gây tổn hại không nhỏ tới hệ sinh thái khởi nghiệp.
Vấn đề là khi các công ty xác sống không chịu “chết”, họ sẽ hút vốn từ các công ty khởi nghiệp mới, giảm mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư và có nguy cơ tạo ra tín hiệu tiêu cực về tiềm năng phát triển khởi nghiệp.
Vậy giải pháp với vấn nạn các công ty khởi nghiệp xác sống là gì?
Các nhà sáng lập cần ghi nhớ rằng "sức khoẻ" của một công ty không được đo bởi những công cụ phù phiếm như đãi ngộ nhân viên, thức ăn miễn phí, văn phòng mở. Giữ nhân tài là một chuyện nhưng nếu phá sản vì nó thì lại là chuyện khác. Các nhà sáng lập cần tập trung vào những vấn đề quan trọng khác, đặc biệt là quá trình tuyển dụng những nhân tài thật sự xuất chúng.
Ngoài ra các công ty khởi nghiệp cũng cần thận trọng với chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá. Thực tế phần lớn các công ty khởi nghiệp không thể xử lý tốc độ tăng trưởng quá nhanh và thậm chí mất thị trường, thất bại khi ra mắt và giới thiêu sản phẩm cho người tiêu dùng.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn hy vọng rằng thời hoàng kim của những công ty khởi nghiệp "on-demand" (theo yêu cầu) sắp chấm hết. Có lẽ các nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra rằng họ nên tập trung vào việc ủng hộ những đơn vị đổi mới, cách tân thay vì các công ty xác sống.
Theo Trí Thức Trẻ