Ông Hayashi Motoo, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang cùng 18 doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn nhất tiến hành khảo sát thị trường Việt Nam, chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa xâm nhập thị trường này.
Xây chắc cứ điểm tại Việt Nam
Các doanh nghiệp trong chuyến khảo sát lần này hầu như chưa đầu tư tại Việt Nam, và đây là lần đầu tiên họ tìm hiểu thị trường để đưa hàng hóa của mình vào. Đa phần trong số này là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản và hàng tiêu dùng nhanh. Tất cả thành viên tham gia đều cho rằng, việc đưa hàng Nhật vào Việt Nam cần phải được chuẩn bị kỹ các khâu, từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối phải thực sự hoàn chỉnh.
Ông Hayashi Motoo, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khảo sát một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam chiều 20/3. Ảnh: Việt Dũng |
Chuyến thị sát này cho thấy việc đưa hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam đang được tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt họ khảo sát xem cần bán sản phẩm nào, và làm thế nào để thu hút được người Việt Nam dùng hàng Nhật. Thông tin từ thành viên đoàn, các cửa hàng tiện lợi (CHTL) của quốc gia này đang triển khai tại Việt Nam được xây dựng như những cứ điểm khảo sát tối ưu nhất về thông tin và hành vi tiêu dùng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Hayashi cho biết, một Japan Fair nhằm giới thiệu và bán thử các mặt hàng Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Bộ trưởng cũng thông báo về kế hoạch thành lập một hội đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hội đồng này bao gồm JETRO, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, các cơ quan tài chính liên quan, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp. JETRO đặt mục tiêu phối hợp với các công ty sở hữu những chuỗi CHTL để tăng cường quảng bá sản phẩm từ nhiều vùng khác nhau ở Nhật Bản đến Việt Nam.
Như vậy, động thái đầu tiên của chính phủ Nhật Bản cho chiến dịch này là hỗ trợ hoạt động của các CHTL, định hướng sản phẩm cho các cửa hàng này đưa ra thị trường và làm cách nào mở rộng cửa hàng càng nhanh càng tốt. Cụ thể, ngoài các chuỗi CHTL đã hoạt động thì chuỗi cửa hàng Seven Eleven đang điều tra và có kế hoạch mở trong năm nay.
Người Nhật đón TPP từ Việt Nam
Việt Nam cũng là nước đầu tiên mà JETRO áp dụng kế hoạch này, nếu mô hình thành công thì sẽ triển khai ở các nước khác. Bộ trưởng Hayashi khẳng định, Việt Nam đang là thị trường được chú ý nhất hiện nay vì nhiều lý do. Đầu tiên, đây là thị trường có quy mô dân số đến 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, trong khi thu nhập của người dân đang tăng lên, khoảng 5.000 USD/năm. Ngoài ra, ông đánh giá Việt Nam là một thị trường “chưa khai phá”, hỗ trợ tốt cho hàng Nhật vì nhu cầu mua sắm ngày càng tăng.
Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, ông Yasuzumi Hirotaka chia sẻ: “Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam là một yếu tố doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể, sau khi triển khai các CHTL tại đây, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm có giá thành rẻ bán rất chạy, trong khi các mặt hàng giá trị cao lượng tiêu thụ còn hạn chế. Từ việc khảo sát này, doanh nghiệp Nhật có chiến lược tốt về sản phẩm. Lần này họ sẽ đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao nhưng giá thành ở mức chấp nhận được với người Việt”.
Không chỉ quan tâm đến việc đưa hàng hóa vào mà chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản còn tìm cách hỗ trợ việc xây dựng các hệ thống thanh toán, tài chính để thúc đẩy việc bán hàng một cách thuận tiện nhất, tạo điều kiện cho hàng Nhật được lưu thông tối ưu nhất tại Việt Nam. Chuyến đi của Bộ trưởng Hayashi nhằm thăm dò, khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản và nguyên liệu, thực phẩm của Nhật. Tuy nhiên, nếu muốn sản phẩm Nhật phát triển tốt, đảm bảo được chất lượng thì cần cải thiện nhiều vấn đề khách quan tại Việt Nam.
Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM lý giải việc Nhật Bản muốn đẩy mạnh đưa hàng hoá nông sản vào Việt Nam trong thời điểm này nhằm đón đầu các ưu thế của hiệp định TPP, như thuế sẽ giảm, và các cam kết về đơn giản hoá thủ tục hải quan. Doanh nghiệp lớn thì đã có kinh nghiệm về triển khai kinh doanh ở nước ngoài, nhưng đây là điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, một trong những kênh để mở rộng chính là CHTL để họ tiếp cận thị trường một cách an hơn.
Những vấn đề về kiểm dịch, thông quan đang là một trở ngại lớn để hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam một cách đảm bảo nhất. Ông Yasuzumi bày tỏ lo ngại rằng, tuy mức thuế có thể giảm, nhưng thủ tục vẫn kéo dài, từ đó làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một sản phẩm có thời hạn sử dụng nửa năm, nhưng thủ tục nhập khẩu để được vào Việt Nam cũng kéo dài tương tự. Nên ngay khi sản phẩm vừa hoàn thành thủ tục để vào thị trường thì đã phải bán ngay, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Đây là một trong những điều mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất.
Trả lời Zing.vn về tỷ lệ hàng hoá trong các CHTL, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, những cửa hàng này sẽ ưu tiên bán hàng Việt Nam nhiều hơn, để phù hợp với khả năng mua sắm của người dân địa phương, song song với việc quảng bá những mặt hàng của nhiều vùng, miền tại Nhật Bản.
“Một trong những mặt hàng Nhật sẽ được bán ở các CHTL là bánh, kẹo. Rất nhiều sản phẩm mà các bạn có thể chưa biết đến, nhưng chúng rất được người dân Nhật Bản yêu thích. Chúng tôi muốn giới thiệu những sản phẩm như vậy tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hoá bày bán ở CTHL thì không thể kê giá quá cao. Do đó, chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm có giá cả hợp lý mà vẫn bảo đảm chất lượng”, ông nói.
Tại Nhật Bản, các CHTL không chỉ là nơi để bán hàng hoá. Đây còn là nơi nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng, xem họ thích mặt hàng nào để cửa hàng bày bán các sản phẩm đó. CHTL còn phục vụ một số dịch vụ khác như rút tiền tại các quầy ATM đặt sẵn, mua vé một số sự kiện, thanh toán các hoá đơn… Ông Yasuzumi cho biết, số lượng CHTL ở Việt Nam hiện chưa đến 200, ông tin tưởng con số này sẽ mở rộng đáng kể trong tương lai, đến 500 hoặc thậm chí 1.000. Khi đó, lượng sản phẩm Nhật Bản tìm đường vào Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Phía Nhật Bản tin tưởng, đây là kênh có thể nắm bắt được thị hiếu khách hàng tốt nhất.
Theo Zing