Bên lề phiên họp Quốc hội chiều 21/3, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí về câu chuyện điều hành giá xăng dầu.
Thưa ông, ông có thể cho biết quan điểm của mình về lỗ hổng thuế trong điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua?
Trong thời gian vừa qua, cùng với lộ trình hội nhập, xăng dầu đến từ ASEAN và Hàn Quốc không phải chịu thuế hoặc chỉ chịu thuế thấp, nhưng giá bán xăng dầu lại dựa trên mức giá cơ sở được áp dụng mức thuế theo thị trường thông thường. Từ đó dẫn đến giá xăng bán ra không phù hợp với tình hình thực tiễn, đắt hơn.
Doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi từ điều này, gia tăng lợi nhuận nhưng không dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng không phải do sự tiết giảm chi phí của doanh nghiệp. Trong khi đó, người tiêu dùng lại phải mua xăng dầu với mức giá đắt hơn. Vì vậy, vấn đề này phải được xem xét và xử lý.
Vậy hướng xử lý thế nào? Trước tiên là sửa ngay các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản trong việc xác định giá xăng dầu cơ sở để làm căn cứ điều hành thị trường giá bán xăng dầu trong nước phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu người dân là người tiêu thụ xăng dầu.
Tiếp theo, cần phải điều tiết lại lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu. Trước mắt là có thể điều chỉnh phần thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước, khối lượng lợi nhuận cao lên thì phần nộp vào ngân sách cũng phải tăng theo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần xem xét cơ sở pháp lý, tính toán để đưa khoản lợi nhuận này vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Bởi theo tôi, việc doanh nghiệp tăng lợi nhuận dựa vào lỗ hổng cơ chế mà không dựa trên tăng năng suất lao động cá biệt của doanh nghiệp là không phù hợp.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Ông có cho rằng sẽ hoàn trả được cho dân?
Lỗi ở đây là lỗi chính sách, doanh nghiệp kinh doanh thực thi giá bán căn cứ vào quy định của liên Bộ đặt ra nên họ không vi phạm gì cả. Thế nên, để thu lại được khoản lợi nhuận nhờ vênh thuế thì nên xem xét đưa vào Quỹ bình ổn giá, từ đó điều hòa mức giá hợp lý cho tương lai. Phương án này có lợi cho người dân hơn là truy thu.
Để ra bất cập chính sách là lỗi của Nhà nước nên khi xử lý thu hồi cũng phải căn cứ vào văn bản pháp luật, chứ không phải ý muốn chủ quan.
Bây giờ nói hoàn trả người tiêu dùng thì căn cứ vào đâu để hoàn trả? Người mua ở thời điểm nào, mức giá nào? Vấn đề này tôi cho là rất khó. Do vậy, cần phải có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ là doanh nghiệp xăng dầu đã hưởng lợi như thế nào từ cơ chế giá xăng dầu, từ đó mới đưa ra phương án điều tiết lại vào ngân sách hay quỹ bình ổn.
Để xảy ra lỗ hổng chính sách, gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm tập thể hay cá nhân...
Khi quản lý Nhà nước rõ ràng có sơ hở, bất cập thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính phủ đã giao cho liên Bộ Tài chính - Công Thương xác định giá cơ sở xăng dầu, ban hành các văn bản pháp luật để điều hành, và khi những quy định tại các văn bản này không phù hợp với tình hình thực tiễn thì trách nhiệm chắc chắn thuộc về cơ quan điều hành và động thái đầu tiên đó là anh phải sớm sửa đổi những bất cập.
Ở đây có câu chuyện uy tín của điều hành nhà nước với giá xăng dầu. Rõ ràng là bất cập trong tính thuế xăng dầu đã xảy ra một thời gian, nhưng phải đến khi báo chí, dư luận gây sức ép thì mới có sự thay đổi. Liệu có sự o bế của bộ ngành với doanh nghiệp trong câu chuyện này hay không? Đứng từ góc độ của Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông đánh giá về cách điều hành của liên Bộ như thế nào?
Để xảy ra lỗ hổng trong điều hành giá xăng dầu và liệu rằng các cơ quan quản lý Nhà nước có biết ngay các khiếm khuyết đó nhưng vẫn im lặng hay không thì tôi cho là cần phải xem xét. Việc này chỉ rõ ràng khi ta xem xét quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, mà theo luật là phải qua quý. Sau mỗi chu kỳ tính thuế là một quý thì mới biết được lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào.
Tất nhiên, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc đã giảm từ năm 2016, đối với ASEAN thì sớm hơn và với độ trễ 6 tháng để phát hiện ra vấn đề, tôi cho là vẫn kịp thời.
Còn về việc bộ ngành "o bế" con cưng của mình thì theo tôi, quản lý Nhà nước trong năm vừa qua đã có sự thay đổi. Chúng ta đã xóa bỏ bộ chủ quản, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật, phải đáp ứng được những điều kiện của pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng vậy.
Liệu có sự o bế hay không thì cần phải làm rõ, vì đứng trước văn bản và quy định không phù hợp, khi phát hiện kịp thời, các bộ phải giải trình và sửa đổi; trong lúc chưa sửa mà vẫn bất cập thì phải xử lý.
Hơn lúc nào hết hoạt động tài chính doanh nghiệp, tài chính công bây giờ cần phải hướng đến sự minh bạch, công khai, phải để các cơ quan và người dân giám sát, thực hiện công khai và bình đẳng.
Về diễn biến giá xăng dầu thời gian mặc dù có giảm, nhưng tỉ lệ thuế phí trong giá xăng dầu vẫn trên dưới 50%. Ông đánh giá như thế nào về tỉ lệ này và diễn biến giá thời gian qua?
Trong 2 năm gần đây giá, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh kéo giá xăng dầu cũng giảm theo, nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước không giảm cùng tỉ lệ với tốc độ giảm thế giới. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thuế phí. Vừa rồi, chúng ta đã điều chỉnh một số loại thuế đặc biệt trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, để điều tiết một phần do hụt thu ngân sách từ dầu thô và hụt thu ngân sách do lộ trình giảm thuế nhập khẩu.
Việc đánh thuế vào các loại hàng hóa tuân theo thông lệ quốc tế. Kinh doanh phải nộp thuế phổ thông là VAT, hàng nhập khẩu thì phải có thuế nhập khẩu, xăng dầu có thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, tổng thuế trên giá bán xăng dầu hiện tại vẫn là phù hợp, nếu điều chỉnh giảm thuế thì thu ngân sách sẽ giảm xuống.
Chưa kể là vừa qua thu ngân sách do giá dầu thô giảm, tỷ trọng thu từ dầu thô/tổng thu ngân sách chỉ còn 5% thôi. Cần lưu ý thế này, giá dầu giảm khiến giá xăng dầu nhập khẩu giảm, với khối lượng lớn nhập khẩu như vậy, thì giá VAT, thuế nhập khẩu cũng giảm theo, nên ta bị đòn kép về ngân sách do giá xăng dầu và giá dầu thô. Tôi cho rằng, với những chính sách điều chỉnh như vậy, doanh nghiệp vẫn chịu đựng được, tỷ lệ động viên vào GDP thấp và vẫn đang ở mức hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí