Quy định mới của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 25/2 với những chế tài mạnh mẽ hơn như tiêu hủy cả đàn heo nếu sử dụng chất cấm và Bộ luật hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2016) quy định hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù 1-5 năm, nếu có những tình tiết tăng nặng như gây chết người, hậu quả lớn có thể chịu hình phạt lên đến 20 năm tù.
Với quy định mới, đàn heo sử dụng chất cấm sẽ bị tiêu hủy, người vi phạm có thể bị phạt tù - Ảnh: Trần Mạnh |
Phạt rất nặng, kiểm soát rất chặt
Với bất cứ vấn đề gì về sức khỏe vật nuôi, người chăn nuôi ở VN thường chọn cách dễ nhất và rẻ nhất là mua kháng sinh về trị bệnh
Gần 40 năm trước, Hà Lan và các quốc gia thuộc khối EU đã bỏ tù những người cố tình sử dụng hormone cấm trong chăn nuôi. Từ đó đến nay, việc sử dụng chất cấm đã được kiểm soát trong toàn khu vực.
Tôi hy vọng rằng với những quy định nghiêm khắc của pháp luật VN nói trên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị đẩy lùi.
Nhưng chất cấm mới chỉ là một phần của vấn đề chất lượng sản phẩm chăn nuôi tại VN. Ngoài chất tạo nạc, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi cũng là một vấn đề rất lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức, trong khi tác hại của nó tới sức khỏe cộng đồng là rất lớn. Kháng sinh được trộn trong thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy hoặc dễ dàng mua ở các cửa hàng thuốc tây và thuốc thú y hầu như không bị kiểm soát gì.
Tại Hà Lan, Đức và Anh, những đơn vị được phép bán kháng sinh hay hormone cho con người bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Họ chỉ được bán ở những nơi cố định và khá hạn chế, phải đảm bảo bán đúng cho người sử dụng với số lượng bao nhiêu để các cơ quan chức năng kiểm soát. Trong khi đó, ở VN chỉ một xã nhỏ tại vùng xa cũng có mấy chục người bán đủ các loại kháng sinh mà không bị kiểm soát gì.
Tại châu Âu, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi không được trộn kháng sinh trong sản phẩm bán ra, đó là luật.
Trong những trường hợp có dịch bệnh mà trang trại không thể xử lý bằng các biện pháp thông thường, một bác sĩ thú y được nhà nước cấp phép sẽ đến kiểm tra trang trại và cho biết trại cần phải dùng loại kháng sinh gì để trị bệnh.
Tuy nhiên, trang trại luôn phải đảm bảo trước khi xuất heo, gà khỏi trại một thời gian phải ngưng toàn bộ việc sử dụng kháng sinh để đảm bảo thịt đến tay người tiêu dùng là an toàn.
Bác sĩ thú y cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng rằng tại sao trang trại phải dùng loại kháng sinh đó với liều lượng bao nhiêu, sử dụng trong bao lâu để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh.
Hỗ trợ và khuyến khích người làm tốt
Nhà nước cần hỗ trợ người sản xuất sạch bằng cách quản lý và xử lý những người sản xuất không đủ điều kiện.
Thật không công bằng khi một trang trại bỏ tiền, công sức đầu tư trang trại và cách nuôi hiện đại, an toàn bị vây quanh bởi các trang trại không đủ tiêu chuẩn. Ngoài các biện pháp trừng phạt người vi phạm nói trên, Nhà nước nên quan tâm hơn nữa đến các biện pháp khuyến khích người làm tốt.
Nhà nước cần tạo điều kiện cho các trang trại lớn, các đơn vị giết mổ hiện đại về việc tiếp cận vốn, hỗ trợ họ trong quảng bá và khâu phân phối để giảm giá thành và giá bán cho người tiêu dùng. Tôi được biết hiện có một số chuỗi sản xuất thịt heo, gà an toàn nhưng sản phẩm bán ra chưa nhiều và giá còn khá cao so với sản phẩm thông thường.
Về lâu dài, ngành chăn nuôi của VN cũng không chỉ dừng ở tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Ngay trong khu vực thì giá thành chăn nuôi của VN hiện thấp hơn Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Ngoài ra, các thị trường cao cấp khác như Singapore và Nhật Bản (đều nằm trong khối TPP) cũng có nhu cầu nhập khẩu thịt từ VN. Giải quyết được vấn đề chất lượng (chất cấm và kháng sinh), thịt heo, gà của VN có thể tiếp cận được các thị trường này.
GABOR FLUIT (người Hà Lan, chuyên gia về thức ăn chăn nuôi)
Để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước Việc nghiêm cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải trở thành một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành chăn nuôi nội địa, như các quốc gia châu Âu đang áp dụng. Đến nay, thịt heo từ Mỹ vẫn chưa được nhập khẩu vào EU do nước này vẫn cho phép sử dụng một số chất mà EU cấm, trong đó có chất ractopamine. Tôi được biết ractopamine cũng bị Bộ NN&PTNT VN xếp vào danh sách các chất cấm sử dụng bên cạnh salbutamol và clenbuterolnhưng, thời gian qua thịt heo và thịt gà của Mỹ vẫn được nhập khẩu vào VN là điều không công bằng cho người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước. |
Theo Tuổi Trẻ