Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” diễn ra cuối tuần trước, GS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới đặt vấn đề, thể chế quốc gia hiện nay đối với quốc gia là gì?
"Tôi nghĩ, cần phải có chức năng phục vụ doanh nghiệp và chức năng này phải là chức năng quan trọng nhất. Chứ cứ hành doanh nghiệp là chết rồi! Tôi đề nghị cần phải chấm dứt ngay cơ chế xin - cho" – ông Lược nói.
Theo ông, với kết cấu hiện tại của nền kinh tế Việt Nam thì không thể cạnh tranh, phát triển, bởi không một quốc gia nào trên thế giới phát triển đi lên bằng doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI mà phải là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phải gánh vác trọng trách này. "Nếu doanh nghiệp tư nhân èo uột thì không thể phát triển được. Thể chế của ta phải là thể chế hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tư nhân!" - vị chuyên gia khẳng định.
Nhiều đại biểu yêu cầu phải bỏ cơ chế xin-cho trong nền kinh tế |
Cùng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói rằng, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam trên 50% GDP là đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân song các doanh nghiệp tư nhân trong nước thường nhỏ và hoạt động không chuyên nghiệp, do vậy khó có thể tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và hội nhập thành công.
Ông Đoàn nhận xét, hiện có quá ít các doanh nghiệp tư nhân quy mô tương đối lớn, quy mô lớn, đa số lại tập trung đầu tư vào đất đai và vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, khai thác mỏ.. - đây là các lĩnh vực có thể tận dụng được cơ chế “xin-cho” của nhà nước.
Trong khi đó, rất ít các doanh nghiệp đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo...do vậy việc kết nối với các doanh nghiệp FDI còn kém nên không tạo ra nền tảng vững chắc của sự phát triển của Việt Nam ở đẳng cấp cao và hiệu quả kinh tế vượt trội.
"Doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận các nguồn lực chưa được bình đẳng, làm giảm khả năng sinh lời và ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân. Tình trạng thương mại hóa quan hệ với nhà nước với một số ưu đãi ngầm làm cho những lợi ích kinh tế chỉ có thể đạt được nhờ quan hệ "thân tín" với các cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của chính doanh nghiệp và điều này cũng làm cho nhiều doanh nghiệp tư nhân rất khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động có hiệu quả" - ông Đoàn thẳng thắn.
Theo ông Đoàn, nếu tình trạng vẫn tiếp tục phát triển loanh quanh với sự ưu ái, nuông chiều như vậy thì kinh tế tư nhân không thể phát triển mà thực sự chỉ làm tổn hại tới động lực phát triển lành mạnh của kinh tế Việt Nam.
Ông Đoàn đề nghị, thời gian tới, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả trong nội bộ các doanh nghiệp tư nhân, chống việc hình thành các nhóm lợi ích từ chính trong các doanh nghiệp tư nhân.
Nhà nước dỡ bỏ mọi ưu đãi, thiên vị trong tiếp cận đất đai, tài nguyên quốc gia, tín dụng, cơ hội mua sắm công, hoặc đối xử ưu ái trong việc chống độc quyền, trong nghĩa vụ thuế. Đặc biệt cần chú trọng quan tâm định hướng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân lớn để tránh việc đổ vỡ phá sản, làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế tương tự như các trường hợp các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước vừa qua.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (VinaSME) cũng bày tỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong môi trường bình đằng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển, không cần chính sách bắt buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa phải trở thành doanh nghiệp lớn. Có như thế thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mới phát triển.
Theo Dân Trí