Ảnh minh họa |
Tại buổi hội thảo “Ngành bán lẻ Việt nam bước chân vào thế giới phẳng – Cơ hội hay thách thức” do CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) tổ chức ngày 29/03, ông Huỳnh Phước Cường - Giám Đốc khối Bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam (GfK) cùng với ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích VietinBankSc đã phân tích và chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức đối với ngành "hot" này.
Theo ông Huỳnh Phước Cường, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có những yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ. Đó là tăng trưởng GDP đạt 6,68% trong năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD, tỷ lệ thất nghiệp 2,31%, tỷ lệ lạm phát thấp 0,63%, tiêu dùng bình quân hộ gia đình 3.737 EUR
Nhờ vậy, thị trường bán lẻ điện máy đạt quy mô là 154,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2015, tăng 22,6% so với năm 2014. Trong đó, trong năm 2015 nhóm điện thoại di động (TEL) đạt 65,7 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng số bán lẻ điện tử, điện máy.
Giống như các năm gần đây, động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mặt hàng điện thoại di động, khi ghi nhận mức tăng trưởng 29,1% về doanh thu và 16,5% về doanh số tiêu thụ. Mức chi tiêu cho điện thoại di động của người Việt hiện đã vươn lên ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số. Các sản phẩm khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số ngoại trừ nhóm sản phẩm công nghệ thông tin.
Ông Cường cũng đã đưa ra dự báo về xu hướng phát triển của nhóm hàng công nghệ điện tử tại Việt Nam. Theo đó, nhóm sản phẩm điện thoại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh (dự kiến đến năm 2017 doanh thu có thể đạt con số 82 ngàn tỉ đồng so với con số 30,2 ngàn tỉ đồng trong năm 2012).
Tuy nhiên, ông Đặng Trần Hải Đăng cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ việc hội nhập. Hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh gay gắt và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.
Thực tế là, có thể thấy gần đây các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nửa đầu năm 2015, thị trường bán lẻ và tiêu dùng dậy sóng khi hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra.
Trong đó, nổi lên là những thương vụ mua bán hệ thống các siêu thị có trị giá hàng triệu USD, được xem là dẫn dắt thị trường M&A 2 năm trở lại đây. Theo báo cáo M&A của Stoxplus, số lượng thương vụ mua bán và sáp nhập trong 2014 và 2015 trong lĩnh vực bán lẻ lần lượt là 5 và 15 thương vụ, với giá trị là 899 triệu đô la Mỹ và 254 triệu đô la Mỹ.
Nổi bật như thương vụ AEON cùng lúc mua lại 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Hay Lotte đến từ Hàn Quốc cũng đã bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần…
Ngành bán lẻ Việt Nam thu hút dòng vốn từ Asean rất lớn. Ông Đăng cho rằng vấn đề này một phần là do đến 2018, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Đặc biệt với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%.
Đó là ý kiến chuyên gia. Còn doanh nghiệp trong ngành, họ nghĩ sao?
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) cho rằng đây không phải là lúc nói đến một cuộc chơi mang tính phòng thủ mà phải là tấn công. Bởi vì, doanh nghiệp đừng nghĩ thị trường bán lẻ Việt Nam là một pháo đài, mà phải biến nó thành thế chủ động để “kéo quân đi đánh” chiếm lĩnh thị phần. “Lấy tấn công làm phòng thủ là chiến lược tối ưu nhất trong bối cảnh thị trường bản lẻ của chúng ta đang mở toang cửa cho khối ngoại. Doanh nghiệp phải lấy sân nhà và không ngại va chạm để lấy thế chủ động trên thị trường”, ông Tài nhấn mạnh
Theo Trí Thức Trẻ