TS Trần Du Lịch: 'TP.HCM cần xây dựng chính quyền đô thị hơn là đặc khu kinh tế'

Thứ ba, 29/03/2016, 11:17
Ủng hộ việc cần cơ chế đột phá cho TP.HCM của Bí thư Đinh La Thăng, song TS Trần Du Lịch cho rằng không nên hướng đến mô hình đặc khu kinh tế mà cần tổ chức ngay chính quyền đô thị theo kiểu bốn thành phố trong một thành phố.

Bên hành lang Quốc hội ngày 28/3, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - TS Trần Du Lịch chia sẻ quan điểm xung quanh mong muốn biến TP.HCM thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải mà Bí thư Đinh La Thăng đưa ra tại hội nghị Đảng bộ Thành phố cuối tuần qua.

- Từng là người chấp bút cho đề cương thành lập đặc khu kinh tế TP.HCM khi còn ở Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, ông suy nghĩ gì trước đề xuất biến Thành phố thành đặc khu như Thượng Hải của tân Bí thư Đinh La Thăng?

- Tôi ủng hộ tinh thần của Bí thư là TP.HCM nên có đột phá về thể chế để phát huy hết tiềm năng, vị thế, đóng góp cho sự phát triển của khu vực phía Nam, của cả nước, đặc biệt là vai trò trung tâm động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

20 năm trước, TP.HCM đã đề xuất được là một trong ba nơi thành lập đặc khu kinh tế, và tôi được giao nhiệm vụ chấp bút. Tuy nhiên sau đó, Chu Lai (Quảng Nam) mới được chọn thí điểm, song lại chưa cho một cơ chế đủ mạnh như các nước từng làm nên rất hạn chế.

Đến năm 2007, Thành phố được Bộ Chính trị cho nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng với cơ chế tổ chức chính quyền cơ bản như các tỉnh (sau này quyền hạn có hơn), nhưng như thế vẫn là chiếc áo quá chật với một cơ thể lớn mạnh như TP.HCM.

Tồn tại lớn nhất trong nền hành chính Việt Nam là biến sự thống nhất về mặt quản lý với sự đồng nhất về mô hình quản lý. Nói nôm na là ta đan một loại lưới nhưng muốn bắt mọi loại cá.

Thành phố hiện có hai công cụ quan trọng để tiếp tục xây dựng mô hình chính quyền đô thị và cơ chế tự chủ nhiều hơn.

Thứ nhất, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 về TP.HCM và sau đó là Nghị quyết 16 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 với tinh thần: những vấn đề luật chưa quy định hoặc chưa phù hợp thì Thành phố đề nghị Chính phủ cho làm thí điểm. Hai là Luật Chính quyền địa phương đã đưa ra 3 cơ chế: phân quyền, phân cấp và ủy quyền.

Dù còn một số hạn chế nhưng Thành phố đang quay lại mô hình chính quyền đô thị như Bí thư nói.

ts-tran-du-lich-tp-hcm-can-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-hon-la-dac-khu-kinh-te

20 năm trước TS Trần Du Lịch được giao chấp bút đề xuất TP.HCM thành đặc khu kinh tế.

- Nếu là Chính quyền đô thị thì Hội đồng nhân dân Thành phố đã bàn nhiều, nhưng ở đây Bí thư Thăng muốn là mô hình đặc khu như Thượng Hải?

- Trung Quốc có hai loại đặc khu: Khu kinh tế đặc biệt như Thâm Quyến thì khác, còn Thượng Hải là cơ chế tăng tính tự chủ thành phố trực thuộc.

Tôi đã nghiên cứu cả Thượng Hải, Busan, Paris… để đưa ra mô hình gần với điều kiện của TP.HCM.

Nghiên cứu Thượng Hải rất quan trọng và mô hình TP.HCM cũng gần như vậy, trong đó ông thị trưởng nắm cái gì, và cái gì thì giao các sở quản lý trực tiếp để chịu trách nhiệm thay vì tham mưu trình ủy ban. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng cái gì dễ thì dưới làm, khó là đưa lên ủy ban rồi họp hành liên miên. Nhưng tôi không gọi nó là đặc khu. TP.HCM vẫn là thành phố theo luật hiện nay.

- Nhưng Bí thư Thăng nhấn mạnh, nếu vẫn là thành phố với những cơ chế như hiện nay thì rất khó để lấy lại vị thế hòn ngọc viễn đông như hơn nửa thế kỷ trước?

- Tôi không kỳ vọng quá nhiều về một vị trí “hòn ngọc viễn đông” của thế kỷ trước vì bối cảnh giờ đã khác. Khoảng cách giữa ta với các đô thị trong khu vực như Singapore, Bangkok đã quá xa.

Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa Thành phố thành đô thị hiện đại ngang tầm khu vực. Bây giờ làm sao để rút ngắn dần khoảng cách. Trong bảng xếp hạng 180 đô thị sống tốt thì TP.HCM đang ở khoảng 150, trong khi các thành phố lớn trong khu vực chỉ đứng thứ mấy chục.

Chuyện TP.HCM đứng đầu đã là lịch sử. Mỗi giai đoạn nó khác, nên đặt kỳ vọng cũng khác. Nhưng không nên đặt mục tiêu cạnh tranh với các tỉnh trong nước mà phải lấy các thành phố trong khu vực để phấn đấu, rút ngắn khoảng cách. Muốn vậy, TP.HCM phải có tốc độ phát triển cao hơn các nơi này trong những năm tới.

- Vậy trong đề án ông chấp bút, mô hình của thành phố có những đặc trưng nào?

- Một là tổ chức 4 thành phố trực thuộc để tăng tính tự chủ thay vì để các quận như hiện nay là TP Đông, TP Tây, Nam và Bắc, với mỗi thành phố là 3 quận có quy mô khoảng một triệu dân.

Khi đó, ta có 5 chủ thể tự chủ thay vì chỉ một TP.HCM như hiện nay. Rất may Luật Chính quyền địa phương đã cho phép tổ chức thành phố trong thành phố.

Thứ hai là tăng tính phân quyền, tức là minh bạch nhiệm vụ nào của trung ương, cái nào của thành phố và giao cho Hội đồng nhân dân quy định. Cái này Luật đã nêu, song chưa cụ thể nên giờ ta cần nghiên cứu từng điểm để kiến nghị.

Ba là Thành phố phải xây dựng cơ chế các sở không còn là tham mưu mà là quản lý nhà nước. Ví dụ, quyền và trách nhiệm trong xây dựng thuộc về ông giám đốc sở. Khi ấy, tức là có “tư lệnh ngành” trong lĩnh vực, các sở có hệ thống chân rết để quản lý nhà nước, cái này thành phố có thể làm ngay.

Bốn là tổ chức chính quyền mấy cấp thì luật đã quy định, ta cứ làm theo. Với thành phố trực thuộc thì ta tăng phân quyền, với 13 quận nội thành có cơ sở hạ tầng chung thì các sở quản lý nhà nước chung. Như vậy ta có thể triển khai để tinh giảm bộ máy.

Trong mô hình chính quyền đô thị thì tôi nhấn mạnh tăng vai trò của Hội đồng nhân dân trong quyết định và giám sát để bớt cơ chế xin cho, tạo động lực.

- Theo ông, cần cụ thể hóa với lộ trình như thế nào?

- Phải tổ chức lại nhóm nghiên cứu mà trước đây giao cho Sở Nội vụ để rà xem cái gì có thể triển khai ngay trong pháp luật hiện hành, cái gì cần kiến nghị thì đặt ra.

Việc có thể làm ngay là tổ chức ra 4 thành phố trực thuộc vì đã có nghiên cứu rất kỹ cả về dân số, địa lý rồi. Như 3 quận hiện nay có thể làm thành một đô thị chính quyền thì bộ máy đã giảm. Tức là từ thành phố xuống phường luôn. Và tăng tự chủ lên.

- Còn thách thức khi bắt tay thực hiện là gì, thưa ông?

- Thứ nhất là sự đồng thuận. Bởi vì riêng chuyện 3 quận thành mỗi thành phố thì con người sẽ dư, đó là cả vấn đề. Hai là những vấn đề vướng về luật thì phải kiên trì kiến nghị chứ không thấy mắc là dừng. Ví dụ Hiến pháp 2013 đã mở ra quy định chính quyền và cấp chính quyền.

Tuy nhiên khi làm Luật Chính quyền địa phương thì chỉ quy định cấp chính quyền. Đấy là điểm mà Hiến pháp mở ra, song luật lại khép. Do vậy, đây là điểm mà TP.HCM cần tiếp tục kiến nghị.

Nếu Luật Chính quyền địa phương chế định cả hai cấp thì Chính phủ sẽ giúp TP.HCM tổ chức các cơ quan chính quyền thay vì một cấp chính quyền quá cồng kềnh mà không có tính tự chủ.

- Khi Bí thư Đinh La Thăng vừa nêu ra đầu bài này, một số luật sư đã đặt vấn đề sẵn sang hỗ trợ hai thành phố xây dựng một Luật Đại đô thị, ông thấy sao?

- Tôi không mê một luật riêng cho thành phố, như một luật Thủ đô - dù tôi có bấm nút thông qua nó. Bởi nói thẳng, nó không giải quyết được gì. Luật không phải để cho oai mà phải đi từ gốc. Chỉ cần được  làm như Nghị quyết của Bộ Chính trị là cái gì mà luật chưa quy định thì cho thành phố thí điểm, làm vậy tốt hơn nhiều.

Ví dụ trước khi có Nghị định 124 về tăng tính tự chủ cho Hà Nội và TP.HCM thì Thành phố đã thí điểm trước. Hay quỹ đầu tư của thành phố, công ty đầu tư tài chính là mô hình đặc biệt đã được Bộ Chính trị cho làm.

TP.HCM đã có hai “cây gậy”. Một là Nghị quyết 20 và sau này là 16 của Bộ Chính trị. Thứ hai là Hiến pháp, Luật Chính quyền địa phương đã đưa ra, hãy tận dụng tối đa đã. Còn vướng đâu sẽ đề xuất tiếp để kiến nghị tháo gỡ.

Với tư tưởng chỉ đạo của Bí thư thì TP.HCM hãy khởi động mạnh mẽ, tích cực xây dựng mô hình chính quyền đô thị đi đã. Không thể tổ chức cả TP.HCM thành đặc khu như Vân Đồn hay Phú Quốc.

Tôi muốn thành phố là chính quyền đô thị trọng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm cao, nằm trong thể chế hiện hành là khả thi. Tôi hoan nghênh tinh thần đột phá của Bí thư Đinh La Thăng vì cơ chế không phù hợp. Dĩ nhiên còn vấn đề mà Bí thư chưa đề cập là phát triển vùng đô thị TP.HCM chứ không phải chỉ TP.HCM. Thành phố sẽ phát triển trong bối cảnh chung của vùng đô thị trong bán kính 50km từ trung tâm thành phố.

TP.HCM chỉ phát triển bền vững khi cả vùng đô thị phát triển đồng bộ, như vùng Tokyo, Paris…

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích