Formosa với 15 năm đầu tư tại Việt Nam

Thứ năm, 28/04/2016, 09:01
Trước khi Formosa Hà Tĩnh hoạt động, tập đoàn đến từ Đài Loan này đã có rất nhiều công ty lớn ăn nên làm ra tại Việt Nam, đáng kể nhất là hệ thống nhà máy dệt nhuộm tại Nhơn Trạch.

Tại Việt Nam, Formosa có 2 dự án đầu tư lớn là tổ hợp Hưng nghiệp Formosa tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD cùng dự án khu liên hợp gang - thép và cảng Sơn Dương (Formosa Hà Tĩnh) tại khu kinh tế Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư lên đến 28 tỷ USD. Cả 2 dự án này đều là những dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn nhất hiện nay.

Thống trị nhiều lĩnh vực

Từ năm 2001, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép triển khai dự án xây dựng khu liên hợp dệt sợi nhuộm đặt tại khu công nghiệp Nhơn Trạch III, Đồng Nai, với diện tích 300ha. Formosa Đồng Nai là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2014, doanh thu của công ty này đạt hơn 17.100 tỷ đồng; tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 17.400 và 13.300 tỷ đồng.

Formosa Đồng Nai đã thuê gần như toàn bộ hơn 300ha diện tích của khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 để xây dựng khu liên hợp nhà máy sợi – hạt nhựa – nhiệt điện… với sản phẩm chính của công ty này là các sản phẩm sợi, dệt, nhựa.

Tại địa phương này hiện có một danh sách các thành viên của Formosa ở nhiều lĩnh vực như Formosa Taffeta Đồng Nai, Formosa Taffeta Việt Nam (chuyên về dệt – nhuộm) Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)… Tất cả đều có quy mô vốn cũng như doanh thu lên đến cả trăm triệu USD.

Sau khi ghi đấu ấn ở Đồng Nai, dự án đình đám thứ 2 nhưng lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam là khu liên hợp gang - thép và cảng Sơn Dương (Formosa Hà Tĩnh) đầu tư ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Dự án này khởi công từ tháng 7/2008, trên tổng diện tích hơn 3.300ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm.

Vụ sập giàn giáo ngày 25/3/2015 tại công trường dự án lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa khiến 13 người chết, 29 người bị thương là một trong những tai tiếng gắn với tập đoàn đến từ Đài Loan. Ảnh: Tiền Phong

Để phục vụ siêu dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000ha đất, với gần 3.000 hộ dân thuộc 9 xã vùng huyện Nam Kỳ Anh. Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Formosa Group, nắm gần 95% cổ phần.

Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 và sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Tháng 4/2015, thông tin trên cổng thông tin điện tử Quảng Bình cho biết, Tập đoàn Formosa đề xuất đầu tư tại địa phương này nhà máy chế biến quặng, nhà máy xử lý sản phẩm phụ của Khu công nghiệp gang thép Vũng Áng.

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu cần có báo cáo chi tiết, cụ thể thông tin về quy mô diện tích, nguồn nhân lực sử dụng, nhất là vấn đề tác động tới môi trường để tỉnh xem xét.

Ồn ào với sai phạm

Là một doanh nghiệp FDI lớn hàng đầu Việt Nam, Formosa cũng mang đến cho môi trường kinh doanh tại bản địa những vụ lùm xùm. Trong vụ cá chết hàng loạt xảy ra tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Formosa đang là đối tượng được nghi vấn. Điều này cũng khiến nhiều người điểm lại những bê bối của doanh nghiệp trong quá khứ.

Đầu tiên là việc sử dụng hơn 3.000 lao động chui người Trung Quốc tại Vũng Áng. Năm 2014, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, khu kinh tế Vũng Áng có 6.121 lao động nước ngoài nhưng chỉ cấp được 3.261 giấy phép. Trong số đó, chỉ có 1.400/4.154 lao động người Trung Quốc được cấp phép.

Vụ lùm xùm tiếp theo được ghi nhận là sập giàn giáo cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngày 25/3/2015 khiến 13 người chết, 29 người bị thương.

Ngày 25/12/2015,khoảng 5 tháng trước khi xảy ra nghi vấn xả thải khiến cá tôm quanh khu vực chết hàng loạt, dây chuyền sản xuất thép cuộn đầu tiên của dự án Formosa cho ra cuộn thép cán nóng đầu tiên. Ảnh: Báo Đầu Tư

Trước đó Công ty Formosa Hà Tĩnh đã từng có văn bản xin xây dựng công trình miếu thờ trong khu vực dự án Formosa, và đã bị tỉnh Hà Tĩnh không đồng tình. Tuy nhiên, công ty này vẫn triển khai xây dựng.

Gần đây nhất, ngày 5/3/2016, doanh nghiệp FDI này lại bị phát hiện đổ chất thải gồm chai lọ, xốp, cao su, ván gỗ, bông, vải, thạch cao, sắt thép, nhiều thùng chứa đầy hóa chất… xuống khu đất rộng nằm sát đường thuộc phường Kỳ Liên. Chỉ tính từ thời gian sau Tết Nguyên đán đến nay, hơn 15 chuyến xe chở rác thải có trọng lượng hàng trăm tấn từ công trường Formosa xả trong khu vực dân cư lân cận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự việc gây bất bình dư luận cả nước trong suốt tháng 3 vừa qua.

Giá thuê đất chỉ 80 đồng/m2 suốt 70 năm

Tại dự án của Công ty Formosa, việc xác định tiền thuê đất, thời gian thuê đất được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng áp dụng với chính sách ưu đãi đặc biệt. Theo Hợp đồng cho thuê đất đã ký giữa Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thời gian cho thuê đất lên đến 70 năm và tiền thuê đất được miễn trong 15 năm. Công ty này đã thuê hơn 33 triệu m2 đất, mặt nước, với giá tiền thuê đất chỉ 80 đồng/m2/năm và tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2/năm, đã bao gồm thuế GTGT. Tổng cộng trong thời hạn 70 năm, Formosa chỉ phải trả gần 94 tỷ đồng.

Căn cứ theo hợp đồng, thời gian giao đất sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một được bàn giao vào tháng 1/2009 với diện tích hơn 28 triệu m2 (bao gồm 14,5 triệu m2 diện tích đất liền và 13,5 triệu m2 mặt nước). Giai đoạn 2 được bàn giao tháng 12/2009 với diện tích hơn 5,1 triệu m2.

Ứng theo hai giai đoạn bàn giao đất, tiền thuê đất được thanh toán theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là 71,4 tỷ đồng (bao gồm 64 tỷ đồng trả cho phần đất liền và 7,4 tỷ đồng tỷ đồng phần mặt nước). Giai đoạn 2 thanh toán hết 22,4 tỷ đồng còn lại trên tổng số tiền đã ký kết trên hợp đồng.

Hợp đồng còn thể hiện, rõ ngoài số tiền thuê đất nói trên, trong vòng 70 năm, bên thuê đất không phải nộp thêm bất kỳ khoản tiền sử dụng đất hay một khoản phí và thuế nào khác về đất cho bên cho thuê đất.

Về ưu đãi bất ngờ này, thông tin trên báo Hà Nội Mới cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và đã phát hiện nhiều sai phạm tại dự án Formosa.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, dự án Formosa được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc xác định tiền thuê đất, thời gian ưu đãi... còn chưa chính xác.

Formosa là ai?

Thành lập năm 1954, Tập đoàn Formosa, tên tiếng Anh là Formosa Plastics Group (FPG), là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan. Tập đoàn này được thành lập bởi hai anh em Vương Vĩnh Khánh (Wang Yung-ching) và Vương Vĩnh Tại (Wang Yung-tsai).

Từ một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nhựa, FPG đã phát triển ra một mạng lưới hàng trăm công ty con, với 4 đơn vị lớn nhất bao gồm Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu), và Formosa Chemicals &Fibre (sợi nhựa, vải). Ngoài nhựa và các sản phẩm hóa dầu, FPG còn đầu tư vào lĩnh vực thép, chất bán dẫn, điện,...

Ngoại trừ Nan Ya, ba công ty còn lại đều đứng trong top 1.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2012, theo xếp hạng của Forbes.

Hai anh em họ Vương được xem như những huyền thoại kinh doanh của Đài Loan khi chưa học hết tiểu học nhưng đã gây dựng nên một trong những đế chế hùng mạnh nhất châu Á.

Hiện 2 người sáng lập tập đoàn Formosa đều đã qua đời. Con gái ông Vương Vĩnh Khánh, bà Vương Tuyết Hồng (Cher Wang) được biết đến với vai trò là chủ tịch và người sáng lập ra hãng sản xuất smartphone HTC. Con trai ông Vương Vĩnh Tại là Vương Văn Uyên đang giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Formosa tại Đài Loan.

Theo Zing

Các tin cũ hơn