Trưa ngày 23/5/2016, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama, một bản hợp đồng trị giá tới 11,3 tỉ USD đã được ký kết. Đó là bản hợp đồng mua máy bay giữa Vietjet Air và Boeing – một trong 2 tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Giá trị hợp đồng này lên tới 11,3 tỉ USD. Đấy là chưa kể, Vietjet Air còn ký hợp đồng mua động cơ với một DN Mỹ khác trị giá lên tới 3 tỉ USD. Con số hàng chục tỉ USD giá trị hợp đồng này vượt qua bất kỳ bản hợp đồng làm ăn nào DN Việt Nam đã ký kết với DN Mỹ trước đó.
Tuy nhiên, nhiều người cũng thắc mắc Vietjet Air – một hãng hàng không mới nổi ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tuyến bay chủ yếu trong nội địa và một vài nước Đông Nam Á, lấy đâu ra cả chục tỉ đô la Mỹ để mua máy bay?
Câu trả lời đó là thực tế Vietjet Air không cần nhiều tiền đến vậy để ký kết hợp đồng. Không chỉ riêng Việt Nam, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều không bao giờ có đủ tiền để “mua đứt” một chiếc máy bay có giá trị lên vài chục triệu USD. Kể cả trong trường hợp có đủ tiền, các hãng hàng không cũng chẳng dại gì làm vậy.
Thay vào đó, hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus sẽ cung cấp cho đối tác những hợp đồng thuê mua. Hiểu một cách đơn giản, thay vì bắt Vietjet Air “chồng” toàn bộ tiền mua máy bay ngay lập tức, Boeing vẫn sản xuất ra, đưa máy bay cho Vietjet Air vận hành và sau đó thu tiền lại từ từ. Thực chất, Boeing cho Vietjet Air thuê máy bay của mình và phải sau một thời gian rất dài vận hành (từ 10 – 20 năm tùy hợp đồng), chiếc Boeing 737 mới thuộc quyền sở hữu của Vietjet Air.
Hợp đồng thuê mua này có lợi cho cả 2 phía. Phía bán là Boeing có dòng tiền đều đặn trong dài hạn, còn phía mua là Vietjet Air cũng giảm bớt được gánh nặng chi phí cực lớn ban đầu.
Những hợp đồng thuê mua như thế này cũng là yếu tố duy trì thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thế giới, vì chỉ có những doanh nghiệp quy mô cực lớn mới có thể xây dựng những bản hợp đồng cho thuê có giá trị cả tỉ USD như thế này.
Vì vậy, trên thế giới người ta cứ chứng kiến hàng nghìn hãng hàng không khác nhau đang vận hành, nhưng chỉ có 2 nhà sản xuất máy bay, đi cùng thêm vài nhà sản xuất động cơ thân tín khác.
Ngay tại thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiến những bản hợp đồng tương tự, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn, VALC (Công ty cổ phần thuê máy bay Việt Nam) chỉ cần 60 triệu USD để mua về lượng máy bay có giá trị lên tới 1,3 tỉ USD.
Tất nhiên, để quyết định một hợp đồng có giá trị lớn như vậy, Boeing chắc chắn phải khảo sát đối tác của mình rất kỹ càng. Nhà sản xuất này phải tính toán tốc độ phát triển của thị trường, tiềm năng của hãng hàng không và nhiều phân tích khác trước khi đặt bút ký. Họ cần chắc chắn trong 10 hay 20 năm tới, đối tác mua máy bay của họ sẽ không bị… phá sản để còn trả tiền cho mình.
Điểm này, một mặt cũng cho thấy Viejet Air khá “sáng giá” trong mắt các nhà sản xuất máy bay. Cách đây 1 năm, hãng hàng không tư nhân này cũng đã ký một hợp đồng mua 100 máy bay với Airbus trị giá hơn 9 tỉ USD.
Mặc dù vậy, trong trường hợp kém may mắn, Vietjet không thành công và không đủ tiền để trả tiền mua máy bay cho Boeing, hãng sản xuất máy bay này có sợ bị mất cả chục tỉ USD không?
Câu trả lời là không. Người Mỹ luôn rất giỏi làm ăn và họ đã tính cả trước những rủi ro này. Việc cả thế giới chỉ có 2 nhà sản xuất đã biến máy bay trở thành một sản phẩm tiêu chuẩn, không có sự khác biệt nào giữa các quốc gia.
Nói một cách đơn giản, một chiếc Boeing 737 ở Mỹ, Việt Nam hay ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có cấu trúc y hệt nhau. Trong trường hợp Vietjet Air thua lỗ, Boeing chỉ cần thu hồi lại chiếc máy bay mình đã đưa cho Vietjet thuê và mang sang nước khác bán. Vật hoàn cố chủ.
Theo Trí Thức Trẻ