Việt Nam đề xuất 'Hàng ASEAN đạt chuẩn'

Thứ hai, 23/05/2016, 10:26
Dự kiến trong cuối tháng 5, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ đề xuất với UBND TP.HCM về sáng kiến 'Hàng ASEAN đạt chuẩn', để từ đó UBND TP.HCM đề xuất với Chính phủ cũng như với Ban Thư ký ASEAN nhằm tổ chức thực hiện.
Cần có thêm logo "Hàng ASEAN đạt chuẩn"
Nhãn hàng chung nội khối
Chia sẻ về kế hoạch này, ông Hồ Xuân Lâm, Phó tổng giám đốc ITPC, cho biết có thể đề xuất áp dụng thí điểm ở các thành phố lớn trong khu vực như TP.HCM, Bangkok, Kuala Lumpur... trong thời gian đầu và sau đó sẽ nhân rộng ra toàn thể các nước ASEAN.
Tương tự chương trình “Hàng VN chất lượng cao” mà TP.HCM đã thực hiện, logo chứng nhận “Hàng ASEAN đạt chuẩn” sẽ được dán kèm trên bao bì sản phẩm bên cạnh tên nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp (DN); được phép lưu thông tự do trên thị trường nội khối ASEAN mà không phải qua các khâu kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Giấy chứng nhận này sẽ góp phần nâng cao uy tín về thương hiệu cho sản phẩm của các DN để xuất khẩu đi các thị trường khác trên thế giới.
Cũng theo đề án của ITPC, có thể xây dựng bộ tiêu chí cho hàng hóa dựa theo các chuẩn của những thị trường tiên tiến như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc mà hàng hóa của các nước như VN, Thái Lan, Malaysia... đã đáp ứng đủ điều kiện khi xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Tiếp theo, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ họp bàn để công nhận và đồng ý với nhãn hàng chung để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trên thị trường được thuận lợi. Đồng thời tiến tới đăng ký bản quyền về logo hàng ASEAN đạt chuẩn trong khu vực nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung...
“Nếu đi quảng bá về sản phẩm ra ngoài quốc tế thì từng DN hay mỗi quốc gia riêng lẻ sẽ không bằng một cộng đồng kinh tế chung gồm nhiều nước. Mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN không phải là để cạnh tranh lẫn nhau mà chính là cần hợp tác và hỗ trợ để cùng phát triển. Bên cạnh thương hiệu riêng của từng công ty thì sản phẩm có thêm một giấy chứng nhận đảm bảo nữa để xuất khẩu đi các nước. Một nhãn hàng chung là cần thiết để phát huy được sức mạnh của thị trường hơn 620 triệu dân này”, ông Hồ Xuân Lâm nói.
Cần thiết
Cuối tháng 3.2016, Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết nước này sẽ đề xuất một chứng chỉ an toàn thực phẩm cho toàn cộng đồng ASEAN, giúp chuẩn hóa chất lượng thực phẩm sản xuất và cung ứng từ các nước trong khu vực cho thị trường thế giới. Để đạt được chứng chỉ của ASEAN, các sản phẩm trong khu vực phải đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của từng quốc gia trong khối và tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường chủ lực. Malaysia đã khởi động đề xuất trên với việc khánh thành một trung tâm thẩm định trung lập về an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn ASEAN tại Kuala Lumpur.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các cộng đồng kinh tế chung trên thế giới đều có nhiều đặc điểm chung, trong đó có cả những thương hiệu chung về hàng hóa hay tiêu chuẩn chất lượng... Vì vậy một nhãn chung về “Hàng ASEAN đạt chuẩn” là điều cần thiết và nên thực hiện. Tuy nhiên, để ý tưởng được đi vào thực tế và đạt hiệu quả như mong muốn thì quan trọng nhất là xây dựng các chuẩn mực để được các nước cùng công nhận. Đồng thời, việc tổ chức một cơ quan kiểm định, cấp nhãn cho hàng hóa đạt chuẩn kịp thời cũng hết sức cần thiết.
Tương tự, theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, đề án này rất cần thiết nhưng cũng không đơn giản để thực hiện. Bởi không giống như thị trường EU có sự tương đồng khá cao giữa các nước thành viên, khu vực ASEAN có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế, thương mại cũng như sự khác biệt về văn hóa giữa các nước.
“Nếu lấy bộ quy chuẩn của các thị trường phát triển như Mỹ, EU hay Nhật Bản thì e rằng số lượng hàng hóa được dán logo này sẽ không nhiều. Vì các tiêu chí đó cực kỳ khắt khe, nhất là về tiêu chuẩn môi trường, lao động... Bản thân từng doanh nghiệp để xuất khẩu được vào các thị trường này cũng phải cố gắng rất nhiều nên để thực hiện chung cho cả khu vực thì càng khó hơn. Tuy nhiên cũng nên khuyến khích thực hiện để nâng cao chất lượng sản phẩm của khu vực ASEAN. Vấn đề là cần có các tiêu chí rõ ràng và có sự thừa nhận của một tổ chức kiểm định về chất lượng uy tín quốc tế thì mới khai thác được những giá trị của nó”, ông Lê Phụng Hào nói.
Chuyên gia Ngô Trí Long: “Việc có thêm nhãn hiệu chung là sự bảo chứng của cả cộng đồng ASEAN về uy tín, chất lượng cho sản phẩm đó. Vì vậy, việc quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo hàng hóa đạt theo chuẩn mực đề ra cũng quan trọng nhằm giữ được uy tín trong lòng người tiêu dùng của khu vực và trên thị trường thế giới”.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn