Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Mỹ muốn Việt Nam sớm thông qua TPP vào tháng 7 tới. Mỹ là nước đặt ra luật chơi này và là nước mạnh nên có thể hỗ trợ Việt Nam.
Trong câu chuyện TPP, ông Obama sẽ đề nghị Việt Nam tích cực hơn nữa. Việt Nam cần phải chuẩn bị những vấn đề pháp lý, những phí tốn khi TPP chính thức có hiệu lực.
Ông Thành nhận định: “Việc tham gia TPP, Việt Nam không chỉ có tác động tích cực mà còn có những phí tổn, chi phí nhất định và Việt Nam phải chuẩn bị. Mỹ là một nước phát triển chắc chắn sẽ hỗ trợ Việt Nam, mà thực chất họ đang và sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi TPP, trong đó có tài chính”.
Theo ông Thành, trong TPP có cam kết về dịch vụ tài chính “mở cửa” so với những cam kết của WTO.
“Gắn với những cam kết này là sự mở rộng, thậm chí phát triển rất là nhanh một số lĩnh vực của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó kéo theo nhu cầu, cơ hội về kiều hối, đầu tư, đầu tư tài chính, M&A. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, mở cửa hơn nữa các cán cân thanh toán quốc tế. Đây là cơ hội mới của đầu tư, đầu tư tài chính”, ông Thành bình luận.
Hiện mới có 2 ngân hàng đầu tư vào Việt Nam, một là CitiBank Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về nguyên tắc lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam hồi tháng 7/2015.
Hai là Morgan Stanley, một ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ. Đây là một trong những thể chế tài chính lớn nhất của thể giới, phục vụ những nhóm đối tượng là chính phủ, tổ chức tài chính khác và cá nhân. Ngân hàng này đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư.
Liệu thị trường tài chính Việt Nam có đón một dòng tiền lớn từ Mỹ đổ vào Việt Nam sau chuyến thăm này của ông Obama?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng giới tài chính Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam với điều kiện ông Obama sang Việt Nam và khẳng định TPP sẽ được thông qua tại Quốc hội của Mỹ.
“Chỉ khi TPP được thông qua thì mới tác động mạnh tới giới đầu tư của Mỹ. Hiện thị trường Việt Nam quá nhỏ so với thị trường thế giới, GDP mới đạt 205 tỷ USD (năm 2015) thì không có ý nghĩa gì với thế giới và cơ hội đầu tư nhỏ”, ông Hiếu bình luận.
Vấn đề nữa, luật pháp Việt Nam cũng chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa phải cách làm ăn của doanh nghiệp quốc tế, nên giới đầu tư của Mỹ vẫn còn nhiều quan ngại.
“Nếu TPP được thông qua thì giới đầu từ tài chính Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, bởi Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi và thuận lợi cho họ”, ông Hiếu nhận định.
Theo Dân Việt