Hoang lạnh nhà máy cán thép tấm mỏng (ảnh lớn). Thiết bị chỏng chơ, hoen gỉ (ảnh nhỏ). |
Cụm nhà máy Điện - Thép được tập đoàn Vinashin khởi công xây dựng vào năm 2003 với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ngân hàng. Cụm nhà máy này được xem như “con át chủ bài” trong ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Nhưng hơn 6 năm nay, cụm nhà máy này đang “chết dần, chết mòn” trong KCN Cái Lân (Quảng Ninh).
Tiêu điều nhà máy ngàn tỷ
Được khởi công xây dựng từ năm 2003, với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng, nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân được xây dựng trên diện tích 15ha với 16 nghìn tấn thiết bị, máy móc hiện đại được nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, công nghệ xử lý nước thải, khí thải theo dạng tuần hoàn lần đầu tiên được áp dụng: khí nóng từ lò nung dùng để vận hành nhà máy nhiệt điện, nước thải được xử lý, lọc, sau đó quay trở lại làm mát các thiết bị máy móc.
Sau gần 7 năm xây dựng và lắp ráp, ngày 2/6/2010, nhà máy được vận hành chạy thử và cho ra mẻ thép tấm đầu tiên đạt 5.000 tấn, đánh dấu kỷ nguyên mới cho ngành đóng tàu Việt Nam. Trước đó, nguồn cung thép để đóng tàu đều phụ thuộc vào các đối thủ cạnh tranh, giá thành bị đội lên, chi phí đóng tàu cũng theo đó mà tăng cao. Riêng vật liệu thép tấm đã chiếm khoảng 30% trị giá của một con tàu, chưa kể đến nhiều loại thiết bị máy móc cần phải nhập khẩu.
“Hoành tráng hay công nghệ hiện đại đến đâu thì bây giờ cũng chỉ để ngắm, mà càng ngắm càng thấy xót. Cả một nhà máy cán thép vào dạng bậc nhất thế này nhưng không thể hoạt động được, máy móc thiết bị hết ngâm nước rồi lại phơi nắng, nó đang chết dần trước mắt anh em chúng tôi”, ông Nhữ Văn Quyên, bảo vệ nhà máy, nói. Được biết, sau mẻ thép chạy thử đầu tiên, Tập đoàn Vinashin rơi vào “vòng đáo tụng đình” và cũng từ đó đến nay nhà máy cán thép này hoàn toàn tắt ngúm. Từ 250 công nhân làm việc, giờ chỉ còn vài người bảo vệ.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà máy, chỉ vào những tấm thép được chất đống, màu vàng ố và phủ đầy bụi, ông Quyên nói: Thép này tồn lại từ thời chạy thử đến nay. Chẳng có cơ quan giám định nào chứng nhận còn sử dụng được hay không vì phơi nắng phơi mưa quá lâu ngày, giờ đưa đi nấu lại may ra bán được. Trước đó, trong mẻ thép đầu tiên đã có 3 nghìn tấn được xuất đi nước ngoài, đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế của Mỹ và Na uy.
“Thỉnh thoảng có một nhóm công nhân của Tổng công ty CP công nghiệp nặng Cửu Long đến bảo trì nhưng đâu lại vào đấy, máy móc phải được vận hành mới biết được hỏng hóc ở đâu để sửa chữa, chứ đi vòng quanh mấy vòng rồi về thì cũng như không”, anh Vương Văn Thủy, công nhân bảo vệ, nói. Cả một dàn máy móc gần 16 nghìn tấn nằm bất động, thỉnh thoảng chỉ còn tiếng rè rè của chiếc máy bơm hút nước chống ngập các thiết bị máy móc vọng lên từ tầng hầm.
Nhà máy điện không trả nổi tiền điện nước
Nằm ngay cạnh nhà máy cán thép là nhà máy điện Cái Lân với công suất 40MW, có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Nhà máy có 6 tổ máy, nhiệm vụ chính là cấp điện cho nhà máy cán thép. Được hoàn thành vào tháng 4/2007, sớm hơn nhà máy thép nên toàn bộ sản lượng điện được hòa vào lưới điện quốc gia.
Sau 2 năm hoạt động cầm chừng, đến năm 2009 nhà máy điện chính thức ngừng hoạt động vì lý do khó khăn về vốn lưu động. Nhưng thực tế máy móc, thiết bị của nhà máy điện này được mua lại từ một nhà máy điện cũ của Trung Quốc vào những năm 70. Máy móc thiết bị cũ kỹ, hỏng hóc và không có phụ tùng thay thế, cộng với sản lượng điện sản xuất chỉ được 1/2 công suất nên khó phục vụ cho nhà máy cán thép và cụm công nghiệp.
Vào lúc đấy, toàn bộ nhà máy chỉ còn trông chờ vào trạm biến áp 110 KW, mua điện từ Tập đoàn EVN rồi phân phối cho các nhà xưởng. Sống gắng gượng, èo uột được 2 năm, đến năm 2012, một cơn bão lớn đổ bộ, quật bay nhiều mái nhà xưởng và làm hư hỏng các thiết bị, từ đó trạm biến áp này cũng tắt điện vì không đủ chi phí.
Mãi đến năm 2014 nhà máy mới lợp lại được mái nhờ tiền cho thuê nhà kho. Đã có thời gian dài, nhà máy phải chịu cảnh không điện, không nước do không trả nổi tiền điện sáng và nước sinh hoạt cho nhân viên bảo vệ.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nhiều nhà xưởng của nhà máy đều được khóa chặt, gỉ sét bám chặt trên các ổ khóa, cỏ dại mọc cao gấp đôi đầu người, không khác gì một khu nhà bị bỏ hoang. Hiện chưa có các báo cáo về thiệt hại của nhà máy nhưng để thanh lý đống tài sản này quả là một điều bất khả thi. Chưa kể đến các thiết bị máy móc được cho là thuộc vào hạng “cổ lỗ sĩ” từ thế kỷ trước và được thiên nhiên “bảo quản” trong thời gian dài.
“Sau khi Tập đoàn Vinashin vỡ nợ, Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được “thừa kế” những “di sản” của Vinashin để lại. SBIC đã nhiều lần tìm cách khởi động lại các “di sản” trên nhưng vẫn bế tắc. Nhà máy cán thép đang mắc nợ chủ yếu từ nguồn trái phiếu chính phủ và một số ngân hàng. Còn nhà máy điện thì thực sự không lối thoát “công nghệ lạc hậu, máy móc hư hỏng nặng, nếu hoạt động trở lại chưa chắc bù được chi phí mua dầu chứ chưa nói đến chuyện sinh lãi”, anh Nguyễn Hùng, một công nhân cho biết.
Nhà máy hàng ngàn tỷ đồng đang xuống cấp, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra lối thoát. Tiền thuê đất của cụm nhà máy này đến thời điểm hiện tại đã nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Dư luận đòi hỏi cơ quan chủ quản là Bộ GTVT sớm cùng các bộ, ngành liên quan có phương án giải quyết thích hợp, tránh tình trạng lãng phí, gây tổn thất cho nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Những khối phôi thép khổng lồ nằm ngổn ngang ngoài trời chưa một lần sử dụng, đủ các loại máy móc nặng hàng ngàn tấn nằm chơ vơ, phủ đầy bụi. Nhà xưởng đang xuống cấp trầm trọng, những tấm tôn lợp gỉ sét, có nhiều tấm bung hẳn lên để nắng chiếu vào, cỏ mọc um tùm trong khuôn viên. Không ai nghĩ đây đã từng là một trong những nhà máy cán thép tấm nóng hiện đại nhất và là niềm hy vọng lớn nhất của ngành đóng tàu Việt Nam. |
Theo Tiền Phong