(Ảnh minh hoạ). |
Tỷ phú Thái và chân rết tại Việt Nam
Sau nhiều đồn đoán, mới đây, Công ty thương mại Nguyễn Kim đã hoàn tất mua Zalora Việt Nam, website thương mại điện tử chuyên về hàng thời trang. Zalora Việt Nam là một thành viên của Zalora Group được thành lập đầu năm 2012, thuộc sở hữu của Rocket Internet, một tập đoàn lớn của Đức chuyên xây dựng những công ty khởi nghiệp và thương mại trực tuyến ở các thị trường đang phát triển.
Nguyễn Kim hiện có 49% thuộc sở hữu của Tập đoàn Central Group (Thái Lan). Trước đó, Tập đoàn này cũng đã mua lại Zalora Thái Lan với giá khoảng 10 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, cuối tháng 4 vừa qua, Central Group cũng đã công bố chính thức nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) với tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 1 tỷ USD. Để hoàn tất thương vụ hơn 1 tỷ USD này, Central Group đã phải bán cổ phần của mình tại chuỗi siêu thị Big C Thái Lan cho đối thủ đồng hương là Tập đoàn TCC Group của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakd.
Tập đoàn Central Group - thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat - là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ tại Thái Lan. Chính thức thành lập tại Việt Nam từ năm 2011, cho đến thời điểm này, Central Group đã góp mặt ở hàng loạt các lĩnh vực kinh doanh, bao gồm: thời trang, điện máy, siêu thị, khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, thương mại điện tử…
Sau khoảng 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, tính đến tháng 2/2016, chưa kể Big C Việt Nam và Zalora, Central Group Việt Nam đã có hơn 6.600 nhân viên, có 100 trung tâm thuộc tập đoàn hoạt động trên khắp cả nước, bao gồm 4 trung tâm thương mại; 27 cửa hàng thể thao; 30 cửa hàng thời trang; 1 khách sạn; 21 cửa hàng điện máy; 1 doanh nghiệp thương mại điện tử, 1 nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị.
Không chỉ Central Group, hiện công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC). Tháng 1 vừa qua, BJC đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Sau khi thâu tóm, hiện hàng hoá Thái Lan đã được bày bán và xuất hiện nhiều hơn tại các kệ hàng Metro.
Tính đến thời điểm hiện tại, người Thái đã sở hữu trong tay 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất Việt Nam, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị Việt Nam.
Dần thế chân hàng Trung Quốc
Không phải bây giờ, mà trước đó, hàng Thái đã len lỏi vào khắp các chợ, cửa hàng lớn nhỏ, hiện sản phẩm may và đồ dùng gia dụng Thái Lan có mặt tại hơn 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với hàng nhập khẩu từ các nước khác, điện tử điện lạnh chiếm 70% thị phần. Trong số mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ trong nước, hàng Thái Lan đứng thứ hai chỉ sau hàng Trung Quốc.
Thậm chí, hiện nay nhiều mặt hàng của Thái Lan đang dần thay thế hàng Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu chính ngạch lớn nhất vào Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hết quý I/2016, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, nhiều mặt hàng đã vượt hàng Trung Quốc để giữ vị trí đứng đầu. Cụ thể, với hơn 7.800 chiếc ô tô, trị giá 141,6 triệu USD, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu xuất khẩu ô tô vào thị trường Việt Nam trong quý I. Thái Lan hiện chiếm chiếm đến 39,7% tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu cả nước và chiếm 29,1% về trị giá, vượt xa Trung Quốc cả về số lượng và giá trị nhập khẩu.
Tương tự, mặt hàng điện gia dụng và linh kiện, trong quý I, nhập khẩu từ Thái Lan cũng có kim ngạch nhiều nhất lên đến 244,2 triệu USD, chiếm gần 58% toàn thị phần, cũng bỏ xa Trung Quốc với 71,5 triệu USD. Nhập khẩu hàng rau củ quả, Thái Lan cũng là thị trường thống lĩnh với 59,9 triệu USD, chiếm 38%. Với các sản phẩm bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, quý I vừa qua, nhập khẩu từ Thái Lan chỉ đứng sau quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Indonesia với trị giá 8,4 triệu USD.
Thái Lan cũng trong nhóm nước Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất hàng loạt các mặt hàng khác như: sản phẩm cao su, chất dẻo nguyên liệu, dây điện, dây cáp điện và dầu mỡ động thực vật…
Đã đến ngưỡng phải lo lắng
Thị trường bán lẻ hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Đặc biệt, sự tấn công mạnh mẽ của các đại gia Thái vào kênh bán lẻ hiện đại, thậm chí cả kênh truyền thống được xem là cảnh báo cho thị trường Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thị phần của các nhà bán lẻ trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm khả năng và sản lượng sản xuất, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại. Lúc đó hàng ngoại sẽ chi phối nền sản xuất trong nước.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo: "Xâm nhập hàng Thái vào thị trường Việt Nam đã đến ngưỡng phải lo lắng, Việt Nam thua trên sân nhà từ hàng hoá đến hệ thống phân phối. Trong cuộc xâm nhập này, người tiêu dùng có lợi trong khi áp lực sẽ rất lớn đối với hàng hoá nội, doanh nghiệp nội phải bừng tỉnh. Khi các nhà bán lẻ Thái Lan vào Việt Nam chắc chắn họ sẽ tăng tỷ trọng hàng Thái trên quầy kệ. Nếu không có chính sách kịp thời không chỉ có cảnh người dân chuyển sang mua hàng Thái mà còn chứng kiến nhiều thương vụ “bán mình” của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới đây".
Thậm chí, trao đổi với báo chí, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thẳng thắn: “Đối thủ đáng gờm nhất của hàng Việt là hàng Thái. Theo tôi, sắp tới cuộc chiến với hàng Thái sẽ rất mệt”.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam đã mở cửa thị trường theo cam kết WTO, hàng Việt phải chấp nhận cuộc chơi lớn này và để giành lại thị trường thì không còn cách nào khác là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Vũ Vinh Phú từng nhiều lần nhấn mạnh: "Các công ty trong nước thường thiếu sự liên kết. Đặc biệt là phong cách làm việc tiểu nông, chụp giật, nay làm mai bỏ của siêu thị Việt sẽ là con dao tự mình hại mình. Do đó, các nhà bán lẻ Việt hãy tự đổi mới mình để làm cách mạng ngành bán lẻ Việt Nam. Trong đó vấn đề quản trị doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh là thước đo cho sự tồn tại".
Còn theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính): "Hàng Thái Lan có chất lượng tốt, mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng có thể là động cơ cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Với hàng hoá Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao năng lực cạnh tranh, cuối cùng cũng bị đo ván, thua tất cả các nước, không chỉ Thái Lan”.
Theo Dân Trí