Siêu thị BigC Việt Nam đã được chuyển nhượng cho Central Group với giá 1,05 tỷ USD. |
Mới đây Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn cho Ban lãnh đạo hệ thống siêu thị BigC Việt Nam đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.
Được biết, trong tháng 3-4/2016 vừa qua, nhiều siêu thị đã gửi thư đến các doanh nghiệp thuộc VASEP đề xuất tăng chiết khấu trong đó Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%.
Mức chiết khấu 25% kể trên được VASEP cho biết, sẽ không có doanh nghiệp nào đáp ứng được, nếu được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Do đó, một số doanh nghiệp thuỷ sản đã rút hàng khỏi hệ thống.
Trong bối cảnh BigC Việt Nam mới hoàn tất thương vụ chuyển nhượng từ Casino (Pháp) sang Central Group (Thái Lan) với giá 1,05 tỷ USD, một số ý kiến cho rằng BigC Việt Nam đang “đuổi khéo” các doanh nghiệp Việt, ưu tiên hàng của doanh nghiệp Thái tại siêu thị.
Khảo sát tại siêu thị Metro mà một tập đoàn khác của Thái Lan – BJC đã từng mua lại với giá 879 triệu USD cho thấy, hàng Thái đã xuất hiện nhiều hơn trên các quầy kệ. Cụ thể tại Metro Hà Đông (Hà Nội), lối vào siêu thị nơi từng bày hàng khuyến mại chủ yếu là hàng Việt Nam đã thay thế bằng hàng Thái Lan từ đồ nhựa, gạo, bột giặt, gói bim bim, lọ gia vị…
Trước thông tin nêu trên, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị BigC khẳng định: “BigC không gây sức ép lên bất kì doanh nghiệp nào, hàng hóa giá thành hợp lý, phù hợp thì BigC sẵn sàng nhập. Thuận mua vừa bán. Hiện 90-95% hàng hóa tại BigC là hàng Việt Nam, không có chuyện đẩy hàng Việt Nam để nhập hàng Thái Lan”.
Đồng thời, ông Nguyên cho biết thông tin về chiết khấu cao mới chỉ là thông tin nghe được nên BigC rất khó xử lý, nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào có khiếu nại, có thể gửi văn bản, email trực tiếp về hệ thống siêu thị, khi đó BigC sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể từng trường hợp theo đúng quy trình.
Đưa quan điểm về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc mua bán, nhập hàng của các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ đều theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp.
“Trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc BigC phân biệt đối xử với mặt hàng của mình thì cung cấp để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý”, ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, không riêng siêu thị ngoại, một số siêu thị nội cũng đang có mức chiết khấu cao, thậm chí lên đến 20% do đó cần rà soát lại chiết khấu của các siêu thị và cắt giảm những chi phí làm khó nhà cung ứng.
“Với Big C đâu là lý do, liệu có lý do BigC mới được chuyển nhượng cho doanh nghiệp Thái hay không?”, ông Phú đặt nghi vấn. Tuy nhiên, để làm rõ việc có hay không BigC “đuổi khéo” doanh nghiệp nội, ông Phú cho rằng cần có sự điều tra chi tiết hơn.
Theo BizLive