Phát biểu tại Tọa đàm "Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách" đang diễn ra sáng nay (10/5/2016), Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) dẫn bình luận của nhiều nhà khoa học khác cho rằng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam vẫn còn "để hơi thấp" mặc dù đây là một tiêu chí rất quan trọng.
Toàn cảnh tọa đàm về chất thải công nghiệp đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay |
Theo ông Võ, quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường phản ánh mức độ chấp nhận đánh đổi của Việt Nam về môi trường để phát triển kinh tế. "Trước đây, trong quá trình chú trọng thu hút đầu tư, chúng ta đã chấp nhận việc để thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng bây giờ đã sang giai đoạn mới, yêu cầu phải chọn lọc nhà đầu tư, phải xem xét lại, không còn cần đánh đổi như trước nữa, phải nâng tiêu chuẩn lên" - ông Võ nêu quan điểm.
Vị nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT chia sẻ: Tôi có cảm giác chúng ta vẫn nóng lòng về chuyện phát triển kinh tế nhiều hơn là bảo vệ môi trường. Ông nói, có thể chúng ta cũng đã thấy được môi trường là vấn đề lớn nhưng thực tế vẫn chưa thể hiện được sự quan tâm đúng mực. Với những vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, chúng ta lại cứ coi là việc đã rồi, kể cả sự vụ Vedan trước đây xả thải ra sông Thị Vải. Do đó, sự việc cá chết hàng loạt ở ven biển một số tỉnh miền Trung là "hồi chuông cảnh tỉnh" về ý thức bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Ngoài ra, ông Võ cũng nhận xét, việc giám sát xả thải tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu sát sao, chặt chẽ. "Tôi vẫn luẩn quẩn trong đầu suy nghĩ trong câu chuyện này có tham nhũng hay không? Hãy nên nhớ rằng, tham nhũng hôm nay một đồng thì ngày mai sẽ phải trả giá hàng tỉ đồng. Có tham nhũng ở đâu thì tham nhũng nhưng đừng tham nhũng ở lĩnh vực môi trường. Anh ăn vặt đâu đó có thể nhưng trong lĩnh vực môi trường thì không thể chấp nhận, bởi tất cả những hậu quả đó thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu, tương lai phải trả giá" - GS Đặng Hùng Võ trăn trở.
Riêng trường hợp liên quan đến nghi vấn xả thải của Formosa Hà Tĩnh, ông Võ cho rằng, cần có sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự vào giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp này.
Trái ngược với quan điểm của GS Võ trong đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn, ông Nguyễn Xuân Sinh - phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) lại cho rằng, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam là đã kịp thời và đầy đủ.
"Việc bỏ công bỏ sức để nghiên cứu xây dựng bộ quy chuẩn tiêu chuẩn là rất khó. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam dụng cao hơn các nước và rất khắt khe, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải SO2 là rất cao, không phải thấp, yêu cầu nhà đầu tư phải có hệ thống xử lý cực kỳ tốn kém" - ông Sinh khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, có nhiều tiêu chuẩn của Việt Nam thấp hơn thế giới.
Về kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, ông Sinh cho rằng, việc ban hành các quy định, công cụ thì nhiều và chặt chẽ (3 tháng/lần) nhưng thực tiễn thực hiện kiểm tra, giám sát lại còn rất nhiều bất cập. Ở đây nằm ở câu chuyện năng lực của cơ quan thực hiện.
Hoạt động xả thải của Formosa đang là mối quan tâm của dư luận |
Ông Sinh nhận xét, trừ những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải thì còn lại những doanh nghiệp đến từ châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan... ý thức lại kém hơn nhiều. Đánh giá này của ông Sinh nhận được nhiều sự đồng thuận của các chuyên gia trong phòng hội thảo.
Ông Sinh chỉ ra thực trạng, do việc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải chiếm chi phí rất cao, xây dựng đắt đỏ, vận hành khó khăn nên có những nhà máy buổi ngày cho vận hành hệ thống xử lý chất thải nhưng tối cho xả trộm.
"Đối với trường hợp tại Formosa, tôi suy nghĩ là vì sao chúng ta không có cơ quan kiểm soát trung gian như cảnh sát môi trường hay người dân, mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra được. Cần yêu cầu công ty này xả ra một kênh hở là nhận biết được ngay, căn cứ vào màu mùi của nước thải." - ông Sinh chia sẻ. Còn việc xây dựng hệ thống quan trắc online, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Đánh giá về xây dựng quy hoạch môi trường, Phó Cục trưởng cục Hóa chất nhận xét, "gần như chúng ta đua nhau xây dựng quy hoạch rất nhiều nhưng thực thi còn rất nhiều khiếm khuyết". Cụ thể, ông Sinh cho rằng, nhiều địa phương đang lờ đi coi như không biết quy hoạch ngành. Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch ngành song địa phương vẫn ký, cho phép đầu tư.
Góp phần tham luận, ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Bộ TNMT nói: "Anh Sinh nói đã đầy đủ nhưng theo tôi là không bao giờ đầy đủ cả. Khi yêu cầu cuộc sống cao lên thì cũng tăng quy chuẩn lên".
Thông cảm rằng những người làm quy chuẩn cũng phải nhiều sức ép, từ yêu cầu của nền kinh tế và của cộng đồng dân cư song ông Loãn cũng đánh giá, để đáp ứng yêu cầu thực tế thì chưa đạt do chưa đánh giá được sức chịu tải của môi trường từng khu vực. "Có thể khi khu vực đó có một nhà máy thì sẽ đáp ứng được nhưng thêm một nhà máy khác sẽ ngay lập tức phá vỡ sức chịu tải môi trường ở đó".
Ông Loãn cũng nhận định, "chuyện xả trộm là có nhưng tôi đảm bảo là tỉ lệ phát hiện được là thấp hơn thực tế". Theo đó, điều này phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh, ý thức với cộng đồng của các doanh nghiệp.
Ông Loãn đặt câu hỏi: "Bản thân chúng ta ở nhà đã phân loại rác để giảm thiểu áp lực cho các công ty môi trường hay chưa? Bản thân chúng ta đã làm tốt phần mình, đã tự giác hay chưa? Rõ ràng là chỗ nào không có công an thì ở ngã tư đèn đỏ vẫn có người đi, đó là điều khó tránh khỏi, tương tự với câu chuyện xả thải ra môi trường". Do đó, theo ông Loãn, việc giáo dục nâng cao ý thức của mỗi cá nhân ở thời điểm này vẫn là quan trọng nhất.
Theo Dân Trí