Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết hiện nay có tới gần 97% thị phần bán lẻ vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nội, dẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Thông tin cụ thể hơn, ông Quyền cho biết hiện nay thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 3,4% tổng thị phần bán lẻ. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ, bao gồm cả Aeon, Lotte, BJC, Auchan, Central Group (chủ mới của BigC)…
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết trong số các nhà bán lẻ nước ngoài thì BigC hiện đang nắm thị phần lớn nhất. Được biết, ngay khi bán lại cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan, BigC sở hữu hệ thống gần 40 siêu thị tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dẫn thêm một nguồn số liệu từ hãng nghiên cứu tiêu dùng Nielsen, ông Quyền cho biết thêm là nếu tính riêng trên các kênh phân phối hiện đại, các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm được miếng bánh lớn hơn, khoảng 13,7%. Nhưng thị trường nhìn chung vẫn nằm trong tay doanh nghiệp Việt.
Một câu hỏi đặt ra, cơ quan chủy quản chịu trách nhiệm quản lý ngành bán lẻ Việt Nam, lại không nắm được con số thực chất về thị trường bán lẻ? Trong khi theo một con số khảo sát chưa chính thức, được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định rằng Việt Nam đã mất tới 50% thị phần bán lẻ vào tay người Thái.
Trên thực tế, thị phần bán lẻ Việt Nam đang nằm trong tay ai và doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu được bao nhiêu % thị phần, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Song nhìn vào thực tế đổ bộ ào ạt của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ, đặc biệt là các tập đoàn của Thái Lan, doanh nghiệp nội đã không khỏi lo ngại.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi cho Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước về việc, liệu thị trường bán lẻ Việt Nam có chịu tác động lớn và có đáng lo ngại hay không khi mà sau khi Metro, đến lượt BigC tiếp tục bị thâu tóm?
Ông Quyền lại đặt lại câu hỏi: "Với tổng thị phần bán lẻ hiện đại của FDI chỉ chiếm 13,7%, thì tác động mạnh cái gì, mọi người cứ đánh giá là mạnh nhưng không phải?!".
Khi chúng tôi hỏi về việc có nhiều DN sản xuất phản ánh không thể đưa hàng vào hệ thống những siêu thị, người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động của thị trường trong nước cho biết chưa nhận và cũng chưa thấy những thông tin này.
Ông Quyền cũng cho biết thêm là việc đưa hàng vào siêu thị luôn đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, chặt chẽ nên có những DN sản xuất sẽ khó tiếp cận được vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Do đó, những phản ánh về việc khó đưa hàng vào siêu thị, luôn có và đó là chuyện bình thường.
Song, trái ngược với sự bình tâm của cơ quan quản lý thì hàng loạt những phản ánh, đơn kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội về tình trạng DN bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, trong khi DN sản xuất khó chen chân vào siêu thị, đang diễn ra phổ biến.
Ngay sau khi thông tin BigC chính thức vào tay người Thái, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã có văn bản lần thứ 2 kiến nghị Chính phủ có giải pháp cấp bách tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà bán lẻ trong nước, trước nguy cơ thôn tính của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài.
Theo đó, các DN này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các DN bán lẻ ngoại. Trên thực tế, dù đã có quy định trong nhiều văn bản pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, song bằng nhiều con đường, các DN bán lẻ ngoại vẫn mở rộng hoạt động, cạnh tranh gay gắt với DN trong nước.
Gần đây, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết vừa gửi công văn cho ban lãnh đạo BigC, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.
Chưa thành kiến nghị cụ thể, song nhiều DN sản xuất Việt Nam đã phản ánh có tình trạng bị loại ra khỏi kệ hàng ở các siêu thị lớn vì những yêu cầu vô lý so với trước đây. Thực tế này khiến cho hàng Việt khó vào được các kênh bán lẻ hiện đại trên chính sân nhà.
Sự bình tâm của Bộ Công Thương trước hàng loạt các kiến nghị của DN, càng đặt ra câu hỏi: Liệu DN sản xuất và phân phối nội địa sẽ đi về đâu trên chính sân nhà, khi mà tới đây cơ chế bảo hộ sẽ không còn, trong khi cơ quan nhà nước vẫn chưa thực sự đánh giá đầy đủ các tác động của làn sóng ngoại, mà có chính sách hỗ trợ cho DN nội.
Theo Trí Thức Trẻ