Những ngày vừa qua, thị trường bán lẻ trong nước xôn xao với thông tin Central Group chính thức mua hệ thống BigC Việt Nam với tổng giá trị giao dịch 1,05 tỷ USD. Thị trường xôn xao bởi những lo ngại Tập đoàn Thái Lan này sẽ mở đường cho hàng hóa ngoại ồ ạt nhập vào BigC, đẩy hàng nội ra khỏi hệ thống, xa hơn nữa là hàng Thái sẽ tràn ngập trên thị trường trong nước.
Những lo lắng càng tăng cao sau khi Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố công văn gửi hệ thống siêu thị BigC về việc chiết khấu của các hợp đồng. Công văn tiết lộ có những doanh nghiệp đang phải gánh mức chiết khẩu 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. "Đây là những mức chiết khấu rất cao mà chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn nhấn mạnh.
Theo VASEP, để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, BigC đang tiếp tục đề xuất nâng mức chiết khấu thêm 4,25% - 5%. VASEP đánh giá, điều này khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao hợp tác với BigC nhưng vẫn có thể sống sót và có lợi nhuận để tái đầu tư.
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt từ trước đây cũng đã rất chật vật với mức chiết khấu mà các siêu thị đưa ra. Từ cuối năm ngoái, VASEP đã cho biết, mức chiết khấu của một số siêu thị nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước mắm, thủy sản đã ở mức 10-25%, và các siêu thị năm nào cũng muốn tăng mức chiết khấu trong các hợp đồng. Hệ thống siêu thị càng lớn, mức chiết khấu càng cao.
Ảnh minh họa |
Không chỉ có vấn đề về chiết khấu, doanh nghiệp để đưa được hàng của mình vào hệ thống siêu thị còn gặp vô vàn những chông gai khác.
Ví dụ, nếu là một doanh nghiệp mới, để đưa một sản phẩm lên kệ hàng của siêu thị, doanh nghiệp phải hoàn thiện được một bộ hồ sơ vô cùng khắt khe về các loại giấy tờ kiểm định, sau đó đóng hàng loạt các loại phí như phí tạo mã sản phẩm, phí tham gia chương trình khuyến mãi, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí cho chương trình thẻ, chi phí cho các chương trình thường niên...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tự chịu phí vận chuyển, bốc xếp và thậm chí, nếu doanh nghiệp hoàn thiện xong hết các thủ tục với lãnh đạo cấp cao thì vẫn còn phải bôi trơn cho các nhân viên bên dưới nếu muốn hàng hóa nhanh chóng có mặt trên kệ hàng.
Sau khi vào được siêu thị, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo lắng, bởi việc trưng bày hàng hóa thế nào là cả một vấn đề lớn, có tính chất quyết định đến việc bán hàng.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để giữ sản phẩm của mình luôn được đầy đặn, bày biện ngay ngắn, có vị trí "không quá xấu", doanh nghiệp cần phải chi những khoản lót tay bên ngoài.
Chưa hết, các doanh nghiệp còn thường gặp vấn đề đối với chính sách đổi trả hàng hư hỏng. Về lý thuyết, doanh nghiệp chỉ nhận đổi các sản phẩm hư hỏng do lỗi của doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, kể cả các sản phẩm bị hỏng do lỗi từ phía siêu thị, thì doanh nghiệp vẫn bị ép phải nhận lại hàng. Nếu không chịu nhập lại, siêu thị sẽ không chịu đặt đơn hàng mới.
Trải qua tất cả các công đoạn đầy khó khăn để bán được sản phẩm cho người tiêu dùng, doanh nghiệp lời lãi chẳng còn bao nhiêu, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thua lỗ, bởi tổng các loại chi phí quá cao.
Một số doanh nghiệp cho biết, tuy không có lãi, thậm chí còn lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải cắn răng đưa hàng vào siêu thị, như một cách làm hình ảnh, marketing. "Doanh thu bán hàng vào hệ thống siêu thị chẳng bằng một góc của bán hàng truyền thống, nhưng việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn sẽ làm tăng uy tín của chúng tôi, thể hiện sản phẩm hoàn toàn đạt chất lượng", một vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trụ được lại với siêu thị. Đứng trước những khoản chi phí ngày càng tăng, có thể vẫn có những doanh nghiệp có lãi, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui chỉ vài tháng sau khi đưa hàng lên kệ. Đây sẽ là cơ hội cho hàng hóa ngoại thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các hệ thống siêu thị lớn đang dần khuếch trương thanh thế, như Aeon Nhật Bản, Lotte Hàn Quốc hay mới đây là BigC về tay người Thái.
Trước tình trạng đó, nguy cơ hàng Việt thất thế đang ngày càng hiện rõ. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và liên tiếp ký các hiệp định thương mại tự do. Do đó, trong tương lai sẽ không có những chính sách bảo hộ doanh nghiệp Việt Nam mà chỉ có thể có những chương trình vận động, như "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hay tổ chức các chương trình quảng bá cho hàng Việt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, để chống lại sự xâm lấn của hàng hoá nước ngoài, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài cải cách toàn diện, cho ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. "Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý", vị này khẳng định.
Theo Trí Thức Trẻ