Tháng 3/2015, công cụ trình duyệt và tìm kiếm Cốc Cốc của Việt Nam đã công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 14 triệu USD từ Tập đoàn truyền thông Đức Hubert Burda Media. Tổng đầu tư là 14 triệu đô la và được chuyển toàn bộ cho Cốc Cốc trong 18 tháng. Khoản đầu tư này không cho biết tỷ lệ sở hữu của Burda tại Cốc Cốc.
Cốc Cốc (ban đầu mang tên Cờ Rôm+) ra đời 4/2013, do ba lập trình viên Việt Nam sáng lập gồm các ông Phạm Văn Thanh, Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Đức Ngọc. Theo công bố từ phía Cốc Cốc, hiện họ là trình duyệt có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Hơn nửa năm sau khi nhận đầu tư từ Burda, đến tháng 10/2015, trang Deal Street Asia đã đưa ra nghi vấn các sáng lập viên đang lần lượt rời khỏi Cốc Cốc và bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác.
Từ đó đến nay, không có thêm thông tin mới nào về Cốc Cốc. Tuy nhiên, theo thông tin mà PV có được thì ngay từ đầu tháng 12/2015, Cốc Cốc đã chính thức thay tên đổi chủ sang cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, 99,75% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cốc Cốc – đơn vị chủ quản của hệ thống Cốc Cốc – đã thuộc về công ty Coc Coc Pte Ltd có trụ sở tại Singapore nắm giữ. Phần còn lại thuộc về Công ty TNHH Công nghệ và Quảng cáo trực tuyến BNT – pháp nhân có cùng địa chỉ với trụ sở chính của Cốc Cốc tại Hà Nội. Hiện Cốc Cốc có vốn điều lệ 380,6 tỷ đồng.
Trước khi sang tên cho Coc Coc Pte Ltd, Cốc Cốc có 5 thành viên góp vốn gồm ông Phạm Văn Thanh, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Huy Đông, Viktor Lavrenko và bà Đỗ Thanh Vân Hương. Hiện bà Đỗ Thanh Vân Hương giữ chức vụ Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Cốc Cốc.
Nhiều khả năng Coc Coc Pte Ltd chỉ đóng vai trò là công ty vỏ bọc (shell company) tại “thiên đường thuế” Singapore.
Theo Trí Thức Trẻ