Sức hút hàng tiêu dùng Thái Lan đang "đánh bật" hàng Trung Quốc

Thứ bảy, 14/05/2016, 10:37
Sản phẩm Made in China một thời gian dài làm mưa gió trên thị trường Việt Nam như hàng tiêu dùng, đồ điện dân dụng, thức ăn gia súc… thì nay đã mất dần vị trí hoặc giảm thị phần. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan lại tăng lên..

Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu chính nhiều mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng của Việt Nam, khi năm 2015 kim ngạch nhập khẩu lên tới 32 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất vào nước ta trong 4 tháng đầu năm với 3,36 tỷ USD.

Không phủ nhận, sự thống trị của hàng hóa Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng vẫn luôn có vai trò lớn trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục là địa chỉ cung cấp nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, thì các mặt hàng tiêu dùng của nước này lại ngày càng ít được các nhà nhập khẩu Việt Nam ưu tiên lựa chọn.

Thay vào đó, nhiều thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng mới được thay thế đến từ các nước phát triển như châu Âu, Hàn Quốc và đặc biệt là một số nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan. Nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.

Nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Thái tăng lên nhanh chóng

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này đã tăng từ 6,3 tỷ USD năm 2011 lên 8,2 tỷ USD trong năm 2015. Mặc dù, kim ngạch nhập khẩu của nhiều hàng hóa tiêu dùng từ Thái vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ và thấp hơn so với Trung Quốc, song mức độ tăng khá mạnh.

Trong đó, có nhiều mặt hàng tiêu dùng có tốc độ nhập khẩu tăng gấp rưỡi hoặc thậm chí là gấp đôi ở giai đoạn 2011 – 2015. Đơn cử: nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa tăng từ 41,3 triệu USD lên gần 71 triệu USD; bánh kẹo và ngũ cốc tăng từ 27,6 triệu USD lên 36,1 triệu USD; sản phẩm chất dẻo (đồ nhựa) tăng từ 147,9 triệu USD lên 186,2 triệu USD; điện và dây cáp điện tăng từ 65,3 triệu USD lên 70,8 triệu USD.

Đặc biệt, có một số mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu “chóng mặt” như rau quả tăng tới 7 lần, từ 31,2 triệu USD lên 206,4 triệu USD; giấy và sản phẩm giấy tăng trên 4 lần (từ 20,9 triệu USD lên 84 triệu USD)…

Thực tế, với độ phủ của hàng triệu cửa hàng bán sản phẩm Thái Lan trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ kênh truyền thống đến kênh hiện đại, đang chứng tỏ vị trí của hàng tiêu dùng Thái Lan tại Việt Nam.Độ phủ này lan tới đâu, thì sức ảnh hưởng của hàng Trung Quốc một thời làm mưa làm gió trên thị trường, xem ra cũng ngày càng giảm ở một số lĩnh vực, mặt hàng.

Hàng Thái Lan tạo bão, đánh bật hàng Trung Quốc?

Nhận định này được chúng tôi đưa ra, khi khảo sát một số tốc độ tăng/giảm về nhập khẩu của một số nhóm hàng tiêu dùng từ Thái Lan và Trung Quốc. Kết quả khá bất ngờ cho thấy, với một số mặt hàng nhập từ Thái Lan có xu hướng tăng lên thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại không tăng hoặc giảm.

Cụ thể, đối với nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa, nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tăng thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh và từ năm 2014 đến nay, Việt Nam không còn nhập sữa từ Trung Quốc.

Với nhóm hàng bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng mạnh trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc không tăng, hoặc thậm chí là giảm trong 3 năm trở lại đây.

Nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng trong giai đoạn này, từ 94,5 triệu USD lên 104,1 triệu USD; song nhập khẩu từ Trung Quốc lại có xu hướng giảm từ 248,1 triệu USD năm 2012 xuống còn 194,5 triệu USD năm 2015.

Đặc biệt, một số nhóm hàng tiêu dùng Thái Lan luôn có kim ngạch nhập khẩu cao hơn so với hàng Trung Quốc. Đơn cử như trong hai năm 2014 – 205, nhóm chế phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 28,6 triệu USD lên 34,3 triệu USD, song nhập từ Thái Lan có mức cao hơn, tăng từ 36,7 triệu USD lên 41,2 triệu USD; Mỹ phẩm các loại, với Trung Quốc giảm từ 43,1 triệu USD còn 39 triệu USD, trong khi nhập từ Thái Lan tăng lên từ 70 triệu USD lên 80,7 triệu USD.

Hay nhóm hàng rau quả, nếu như tốc độ nhập khẩu từ Thái Lan tăng tới 7 lần thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã chững lại quanh mức 150 triệu USD, có nhích lên một chút trong năm 2015 nhưng vẫn không bằng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan.

Ngoài ra là nhóm hàng điện dân dụng và linh kiện nhập từ Thái Lan cũng tăng mạnh và luôn có kim ngạch nhập khẩu cao hơn so với Trung Quốc. Cụ thể, nhập từ Trung Quốc chỉ tăng từ 123,7 triệu USD lên 282,9 triệu USD thì nhập từ Thái Lan tăng từ 356,9 triệu USD lên 695,5 triệu USD.

Chưa có đủ cơ sở chứng minh cho mối liên hệ, nhà nhập khẩu Việt Nam giảm nhập hàng Trung Quốc để thay bằng hàng Thái, nhưng những số liệu phân tích ở trên cho thấy, hàng Trung Quốc đang ngày càng giảm sức hút tiêu thụ trong khi hàng Thái Lan đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Và rõ ràng, tâm lý lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng nhập khẩu Thái Lan thay thế cho hàng giá rẻ Trung Quốc đang ngày càng phổ biến!

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn