Bỏ hàng tỉ đô vào Việt Nam, nhưng những gì Central Group thu về vẫn còn là dấu hỏi

Thứ sáu, 13/05/2016, 11:28
Nếu quan sát trên những gì mà Central Group đã làm trong quá khứ, có thể thấy Tập đoàn này gặp rất nhiều trắc trở, như phải bán BigC Thái Lan cho Pháp, rồi để chính BigC rơi vào tay đối thủ TCC Group. Ở Việt Nam, các thương vụ mà Central Group tham gia lại không gây được nhiều ấn tượng.

Thị trường bán lẻ trong nước những ngày vừa qua đang tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh hàng hóa Việt Nam sẽ đánh mất thị trường vào tay người Thái, sau khi Central Group chính thức mua hệ thống BigC Việt Nam.

Trước khi mua BigC, Central Group cũng đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám với Nguyễn Kim hay mua lại trang TMĐT Zalora.

Liên tục đầu tư tỉ đô vào Việt Nam, có thể thấy tham vọng của tập đoàn Thái tại thị trường nước ta không hề nhỏ.

Mặc dù vậy, nếu nhìn những gì Central Group đã làm được trong thời gian qua, vẫn còn khá nhiều dấu hỏi về tính hiệu quả của các dự án đầu tư.

Đầu tiên, với thương vụ đình đám nhất mà tập đoàn này thực hiện. Hồi tháng 1/2015, Central Group thông qua công ty con là Power Buy đã mua 49% vốn Nguyễn Kim, nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại thị trường Việt Nam.

Sau thương vụ này, Nguyễn Kim tuyên bố lộ trình đến năm 2020 mở ra tới 50 siêu thị. Thế nhưng, từ sau khi về tay Central Group, việc triển khai mở rộng hệ thống vẫn chưa được tiến hành. Trong hơn 1 năm qua, Nguyễn Kim vẫn chưa khai trương thêm một siêu thị nào mới, trong khi cả ngành bán lẻ điện máy đang tăng tốc mở rộng.

Thử nhìn qua các đối thủ cùng ngành: Trần Anh đến nay đã có 9 siêu thị tại Hà Nội cùng 15 siêu thị các tỉnh miền Bắc và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, Chuỗi Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động chỉ trong 3 tháng đầu năm đã mở 22 siêu thị mới, nâng tổng số lên 91 siêu thị.

Ảnh minh họa

Về thị phần, Nguyễn Kim không trực tiếp công bố thị phần cũng như doanh thu của mình. Tuy nhiên, theo thống kê của EUI, thị phần của Nguyễn Kim năm 2010 là 27%. Đến đầu năm 2016, Thế giới di động dẫn số liệu của tổ chức nghiên cứu GFK cho biết, thị phần của Nguyễn Kim hiện chỉ còn 12%, giảm hơn một nửa so với 6 năm trước, trong khi chuỗi điện máy xanh áp sát với 8% thị phần.

Dù 12% chỉ là con số tham khảo, nhưng với một chuỗi bán lẻ, việc không mở rộng hệ thống trong một thời gian dài là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống. Có thể, chiến lược phát triển Nguyễn Kim của Central Group chưa triển khai, hoặc đã được triển khai nhưng chưa mang lại bất kỳ kết quả rõ rệt nào.

Còn nếu nhìn vào 2 thương vụ khác mà Central Group mới thực hiện, gồm mua Zalora và hợp tác với chuỗi Lan Chi, đây cũng là hai thương vụ nhiều rủi ro.

Với Zalora, môi trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quá nhiều biến động, khi nhiều cái tên liên tục đóng cửa, như Deca, foodpanda, beyeu..., đồng thời lại xuất hiện những ông lớn tham gia thị trường, như alibaba (mua lazada), adayroi... Đặc biệt, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là "máy xay thịt" khi nghiền nát bất kỳ những người chơi nào, bất kể lớn bé.

Có thể, mục đích mua Zalora của Central Group chủ yếu để phục vụ cho mảng thời trang của hãng, vốn đang phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, bản thân Zalora chưa tạo được tiếng vang lớn trên thị trường và đã liên tục lỗ nhiều năm qua. Để có thể thay đổi được vấn đề này, Central sẽ cần thêm thời gian và tất nhiên, thêm nhiều tiền nữa đổ vào.

Về phía hệ thống siêu thị Lan Chi, đây là chuỗi siêu thị ở ngoại thành Hà Nội, trọng tâm hướng tới khu vực nông thôn. Do đó, khách hàng của chuỗi Lan Chi chủ yếu là những người có thu nhập trung bình thấp, đây là phân khúc mà doanh nghiệp Việt có nhiều ưu thế hơn so với các doanh nghiệp ngoại.

Cuối cùng, chỉ có thương vụ với BigC Việt Nam là có khả năng sẽ tác động mạnh mẽ lên thị trường. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào quy mô doanh số của BigC Việt Nam (khoảng 12.000 tỉ đồng trong năm 2015) so với quy mô ngành bán lẻ, thực tế BigC Việt Nam không phải là doanh nghiệp quá lớn.

Trong khi các thương vụ tại Việt Nam còn đang dang dở, áp lực tài chính từ việc đầu tư cả tỉ đô vào Việt Nam cũng đang ảnh hưởng tới tập đoàn này.

Mới đây, thông tin từ truyền thông quốc tế cho biết, để mua được BigC Việt Nam, Central Group đã phải bán hết 25% cổ phần tại chuỗi BigC Thái Lan để đảm bảo nguồn tài chính. Đây là động thái bất ngờ của Central Group bởi tập đoàn này chính là nhà sáng lập BigC Thái Lan vào năm 1993, trước khi bán lại cho tập đoàn Casino của Pháp và chỉ giữ lại cổ phần thiểu số. Sau đó, đến khi Casino bán lại BigC Thái Lan thì Central Group cũng không mua lại được, để BigC Thái Lan rơi vào tay đối thủ TCC Group.

Central Group Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2011, hoạt động trong nhiều ngành thuộc lĩnh vực bán lẻ khác nhau như điện máy, thể thao, thời trang, trung tâm thương mại, nhà hàng - khách sạn, thương mại điện tử và siêu thị.

Tính đến tháng 2/2016, Central Group Việt Nam đã có hơn 6,600 nhân viên. Hiện có 100 trung tâm thuộc tập đoàn hoạt động trên khắp cả nước, bao gồm 4 trung tâm thương mại; 27 cửa hàng thể thao; 30 cửa hàng thời trang; 1 khách sạn; 21 cửa hàng điện máy; 1 doanh nghiệp thương mại điện tử, 1 nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị.

5 mảng hoạt động chính của Central Group Việt Nam gồm có: Thời trang (Fashion Group), Điện máy Nguyễn Kim, Thương Mại Điện Tử Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi và Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara.

Theo Trí thức Trẻ

Các tin cũ hơn