Donald Trump sẽ in tiền như thế nào

Thứ năm, 12/05/2016, 16:37
Tỷ phú nói rằng người Mỹ không cần phải lo lắng vì nước này luôn có khả năng trả nợ, khi việc Chính phủ cần làm chỉ đơn giản là in tiền mà thôi.

"Đây là Chính phủ Mỹ mà. Anh không bao giờ phải lo vỡ nợ vì có thể in tiền", Trump cho biết trong một buổi phỏng vấn với CNN hồi đầu tuần. Vậy nước Mỹ in tiền như thế nào?

Ở mức độ căn bản nhất, Cục in ấn Mỹ sẽ in tiền Giấy và Sở đúc tiền sẽ làm tiền xu. Người ta có thể chứng kiến tận mắt quá trình này nhờ tham quan hoặc xem các video trên mạng. Trong này dùng loại máy in khổng lồ như máy để in báo hoặc kỷ yếu trường học vậy.

Tuy nhiên, Tổng thống không phải người có thể gạt công tắc máy in tiền. Chỉ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới có thể điều hành 2 cơ quan này.

donald-trump-se-in-tien-nhu-the-nao

Donald Trump cho rằng Mỹ có thể in tiền để trả nợ. Ảnh: Market Watch

Thông thường, mỗi năm, Fed sẽ "đặt hàng" một lần cho Cục in ấn Mỹ để đề nghị số tiền cần in. Mới nhất là vào tháng 7/2015 với “đơn hàng” hơn 213 tỷ USD tiền mới, gồm 5 USD, 10 USD, 20 USD,…

Fed có 2 mục tiêu. Đầu tiên, họ phải thay thế số tiền cũ, hỏng không còn dùng được nữa. Thứ hai, họ muốn bơm thêm tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khi Trump hay bất kỳ ai khác nói về “in tiền”, họ thường không ám chỉ sản xuất tiền giấy và xu mới.

Những đồng tiền "sờ được" này chỉ là một phần nhỏ (10%) cung tiền trong nền kinh tế. 90% ở dưới dạng điện tử, trong các tài khoản ngân hàng. Hiện cung tiền của Mỹ là 12.700 tỷ USD.

Thay vì in đôla thật, sẽ nhanh hơn nhiều nếu Fed bơm tiền vào nền kinh tế thông qua mua tài sản (như trái phiếu) từ một ngân hàng. Theo góc độ này, Fed đã "in rất nhiều tiền" từ sau khủng hoảng 2008. Cách làm này được gọi là "nới lỏng định lượng" (QE).

Ý định của Fed là bơm thêm tiền vào các ngân hàng và bôi trơn hệ thống tài chính. Khủng hoảng 2008 - 2009 trầm trọng thêm vì rất nhiều nhà băng lớn không đủ tiền mặt để trả cho khách hàng. Vì thế, để dòng chảy tiền được thông thoáng, Fed đã phải vào cuộc.

Họ kỳ vọng có thêm tiền sẽ giúp các nhà băng mạnh hơn và sẽ bắt đầu cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, mục tiêu thứ 2 đã không được như ý giới chức. Đây là một trong những lý do lạm phát Mỹ vẫn chưa nhích lên nhiều.

Trong rất nhiều khóa học về kinh tế, các giáo sư thường dạy sinh viên rằng in tiền là ý tưởng tồi. Vì khi đó, tiền đang lưu thông sẽ bị giảm giá trị.

Hãy tưởng tượng nó như một chiếc pizza bị chia làm nhiều phần hơn. Khi ấy, mọi người sẽ nhận ra họ cần lấy nhiều miếng nhỏ hơn để bằng với miếng to trước đó.

Các cửa hàng khi đó sẽ phải tăng giá sản phẩm. Đó là tình trạng mà các nhà kinh tế gọi là lạm phát.

"Zimbabwe là ví dụ điển hình cho việc tình hình có thể tệ đến mức nào", Dan Sichel - nhà kinh tế từng làm việc tại Fed và Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Nước Mỹ không muốn trở thành Zimbabwe thứ 2. Quốc gia châu Phi này in quá nhiều tiền đến mức một chiếc bánh mì cũng tốn hơn 1.000 tỷ đôla Zimbabwe. Đồng tiền nước này đã gần như chẳng còn giá trị năm 2009, và nền kinh tế cũng bị nhấn chìm từ đó.

Người ta đang lo ngại với những tuyên bố trên, khi trở thành Tổng thống Mỹ, Donald Trump sẽ buộc Fed tăng cung tiền. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập trong quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Bên cạnh đó, Trump có thể in tiền chỉ với lý do là Chính phủ không đủ tiền trả nợ.

In tiền chỉ để cung cấp cho Chính phủ rất khác so với mục đích của Fed trước đây - hỗ trợ ngân hàng cho vay và thúc đẩy tăng trưởng, nhà kinh tế học Doug Holtz-Eakin cho biết.

Giới quan sát cũng cho rằng các bình luận của Trump ám chỉ ông sẽ làm điều gì đó tương tự phong cách in tiền của Zimbabwe. Dù Mỹ còn lâu mới tới thời điểm đó, việc nước này đi theo con đường trên cũng đủ khiến thị trường toàn cầu sóng gió.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích