Ông Rodrigo Duterter trở thành Tổng thống tiếp theo của Philippines sau khi các đối thủ bỏ cuộc. |
Ngày 10/5, ông Rodrigo Duterte, thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam Philippines, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này, sau hàng loạt phát ngôn gây sốc khiến ông được ví như "Donald Trump của châu Á".
Bình luận viên Lindsay Murdoch của Fairfax Media (Australia) gọi chiến thắng của ông Duterte là một "quả bom" vừa được ném vào nền chính trị châu Á, và dự đoán phong cách lãnh đạo cùng chính sách đối ngoại của ông này có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng" đối với nỗ lực của các nước đồng minh trong việc đối phó với những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo đó, việc một thị trưởng 71 tuổi nổi tiếng với thành tích trấn áp tội phạm nhưng lại không hề có chút kinh nghiệm nào trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại phức tạp này sẽ bước vào dinh Tổng thống Malacanang ở Manila vào tháng tới đã khiến các đồng minh thân cận của Philippines như Mỹ và Australia cảm thấy lo ngại. Các nhà hoạch định chính sách của hai nước này lo sợ rằng những thành quả mà họ đạt được sau nhiều năm hợp tác với Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino về an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng khác sẽ "đổ sông đổ bể".
Việc "Donald Trump thứ hai" trở thành Tổng thống Philippines cũng đe dọa làm tiêu tan niềm hy vọng mong manh rằng ASEAN vẫn sẽ duy trì được lập trường thống nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Murdoch nhận định.
Theo Guardian, ông Duterte được so sánh với ứng viên Tổng thống Mỹ Trump vì cả hai đều có những phát ngôn gây sốc trong quá trình vận động tranh cử của mình. Ngoài những tuyên bố như "có thể ngủ với 4 phụ nữ cùng một lúc", ông Duterte còn khẳng định sẽ tự mình lướt sóng đến cắm cờ ở bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng, và tự mình đứng ra đòi chủ quyền cho Philippines.
Giới quan sát cho rằng những tuyên bố mạnh mẽ liên quan đến Trung Quốc và Biển Đông của Duterte trong chiến dịch tranh cử chủ yếu xuất phát từ phong cách lãnh đạo kiểu "nắm đấm thép" của ông, người từng ra tay dẹp nạn tội phạm hoành hành ở Davao, chứ không phải là kết quả của một chính sách đối ngoại rõ ràng.
Điều này được thể hiện trong những tuyên bố đầy mâu thuẫn của ông khiến các nhà ngoại giao cảm thấy bối rối không thể hiểu được Tổng thống tương lai này sẽ làm gì để đối phó với những tuyên bố chủ quyền và tình trạng phong tỏa của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông.
Có lúc ông này khẳng định rằng sẽ tách khỏi các quốc gia ASEAN khác để đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, và thậm chí còn xem xét việc từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông để đổi lấy mối quan hệ hợp tác về kinh tế với Trung Quốc.
Mỹ được dự đoán là sẽ rất lo lắng cho tương lai của các căn cứ quân sự mà nước này định triển khai ở Philippines sau một thời gian dài đàm phán. Đến nay, thỏa thuận triển khai lính Mỹ luân phiên ở Philippines vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự ủng hộ từ Manila, và ông Duterte nhiều khả năng sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi thêm quyền lợi cho đất nước trong mối quan hệ hợp tác này.
Ông này cũng từng công khai tuyên bố rằng một thỏa hiệp với Trung Quốc về các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông còn có lợi hơn là để Philippines trở thành "vùng đệm của Mỹ ở Thái Bình Dương".
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn một tàu tiếp tế Philippines trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Đến hôm thứ hai, Duterte lại bất ngờ nói rằng ông muốn dàn xếp tranh chấp Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán đa phương với các đồng minh chủ chốt như Mỹ, Australia và Nhật Bản, cũng như các nước có tuyên bố chủ quyền khác. Rồi ông lại nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của ông sau khi nhậm chức sẽ là truy quét tội phạm, và nếu chúng chống cự, ông sẽ "giết sạch", đồng thời chấm dứt nạn tham nhũng ở nước này.
Tổng thống khó lường
Theo giới phân tích, dù quan điểm chính trị khác với tỷ phú Trump, sự khó lường của nhà lãnh đạo mới Duterte trong thời điểm Philippines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ Trung Quốc ở Biển Đông chính là điều khiến dư luận cảm thấy lo ngại.
Ông Duterte giành thắng lợi với chính sách đối ngoại không đủ chi tiết và không rõ ràng. Không một ai biết chắc chắn ông sẽ đối phó ra sao với Trung Quốc trên Biển Đông với tư cách là tân Tổng thống Philippines, và cũng không ai nắm rõ lập trường của nhà lãnh đạo này về việc gia nhập hiệp định tự do thương mại TPP.
Bởi vậy, chuyên gia bình luận Murdoch tin rằng việc ông Duterte đắc cử là một bước lùi trong quan hệ ngoại giao giữa Philippines với các đồng minh và đối tác, vốn đã trở nên nồng ấm dưới thời ông Aquino khi các bên cùng bắt tay hợp tác để đối phó với Trung Quốc.
Giới chuyên gia dự đoán sự nồng ấm đó sẽ dần trở nên lạnh nhạt trong thời kỳ mới. Ông Duterte mới đây đã thẳng thừng yêu cầu tân đại sứ Australia mới tới Manila phải "im miệng" khi bà lên tiếng chỉ trích ông về trò đùa của cựu thị trưởng này liên quan đến vụ cưỡng bức, sát hại một nhà nữ truyền giáo Australia. Ông Duterte cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Australia sau vụ việc này.
Văn phòng của ông sau đó phát đi lời xin lỗi về phát ngôn gây bức xúc của ông, nhưng Duterter ngay sau đó tuyên bố rằng ông không bao giờ thèm để mắt đến văn bản đó.
Ông Duterte nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Aquino đã so sánh Duterte với trùm phát xít Adolf Hitler và gọi ông là "kẻ sắp trở thành độc tài". Nhiều học giả Philippines cũng cho rằng Duterte khiến họ liên tưởng đến nhà độc tài Ferdinand Marcos cai trị nước này từ năm 1965 đến 1986 bằng chính sách "bàn tay sắt". Mối lo ngại càng tăng khi con trai của nhà độc tài này sẽ trở thành Phó Tổng thống của ông Duterte.
Ông Murdoch dự đoán rằng sau khi nhậm chức, ông Duterte có thể sẽ giảm bớt giọng điệu của mình và bắt đầu lắng nghe các cố vấn về cách điều hành quốc đảo 100 triệu dân, quốc gia đang có cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại tòa án quốc tế cũng như những bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.
"Một Tổng thống có những phát ngôn gây sốc như ông Duterte không phải là chưa từng có tiền lệ ở Philippines, một đất nước nơi các thủ lĩnh địa phương, diễn viên nổi tiếng hay thậm chí là cựu tù nhân đã thành công trên con đường chính trị, thậm chí trở thành Tổng thống", Murdoch nhấn mạnh.
Theo VNE