Sau sự cố cá chết ở miền Trung, tăng cường kiểm tra các "ông lớn" sản xuất

Thứ tư, 11/05/2016, 09:41
Nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2016 vừa được ban hành đó là Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn.

Như đã đưa tin, sau khi kiện toàn bộ máy, phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ mới đã diễn ra với hàng loạt nội dung quan trọng, giải quyết những vấn đề "nóng", gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phiên họp này. Theo đó, liên quan đến sự cố hải sản chết bất thường, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chỉ đạo đẩy mạnh quan trắc môi trường biển thường xuyên ở các địa phương ven biển miền Trung xảy ra sự cố để giám sát, cảnh báo và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn. Phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công an được yêu cầu vào cuộc điều tra sự cố môi trường ở miền Trung

Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức kết quả kiểm tra, chủ trương, biện pháp xử lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng giải pháp phục hồi đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở một số địa phương ven biển miền Trung xảy ra sự cố hải sản chết bất thường....

Ngoài ra, tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Chính phủ yêu cầu phải có cam kết cụ thể về việc cắt giảm thủ tục hành chính và hoàn thiện bộ chỉ số để doanh nghiệp, người dân chấm điểm chính quyền. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế đã đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô để có nền tảng tăng trưởng cao trong dài hạn, đưa tăng trưởng GDP trong năm đạt khoảng 6,7% và kiểm soát lạm phát dưới 5%.

Với định hướng này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Tín dụng phải được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ...

Song song với đó, chính sách tài khóa cũng chủ dộng, chặt chẽ. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xác định khối lượng phát hành, thời điểm và lãi suất trái phiếu Chính phủ, đảm bảo cân đối vĩ mô và an toàn nợ công.

Cơ quan này cũng được giao tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách, mở rộng cơ sở thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên...

Về việc trình phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ đã thông qua nội dung báo cáo rà soát sơ bộ pháp luật của Bộ Tư pháp và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Sắp tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định; trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn