Theo ông Tự, dự án muốn được thực hiện phải trải qua 2 bước nữa là: cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện phê duyệt đề xuất dự án, sau khi đề án được duyệt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải lập nghiên cứu khả thi, sau đó theo Nghị định 15 của Chính phủ thì mới tổ chức đấu thầu.
Ông Tự nói rõ: "Hiện nay có nhiều ý kiến nói chủ đầu tư có năng lực quá yếu, trong báo cáo Thủ tướng, chúng tôi không đề cập đến năng lực của chủ đầu tư mà chỉ đề cập đến phương án họ đưa ra, bởi chúng ta đều khuyến khích đề xuất, sáng kiến. Tuy nhiên, không có nghĩa là sau khi đề xuất, anh sẽ được lựa chọn làm nhà đầu tư".
Siêu dự án trên sông Hồng (Dự án đường thủy Xuyên Á) gây nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và các nhà khoa học |
Ông Tự cho biết thêm: Trước khi trình Chính phủ dự án trên, đề xuất của chủ đầu tư đã được Bộ GTVT xin ý kiến bộ ngành và địa phương liên quan lần 1, sau đó cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục xin ý kiến vòng 2.
Do dự án chưa có trong quy hoạch ngành thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch đê điều… nên Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các hạng mục dự án vào quy hoạch ngành sao cho phù hợp, đúng quy định.
“Trong quá trình nghiên cứu, các bộ cần khẩn trương hoàn thiện nhận xét sự phù hợp, cần thiết của dự án, bổ sung quy hoạch liên quan”, ông Tự nhấn mạnh.
Về Văn bản 766 công bố ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về siêu dự án này, ông Tự cho biết: Sau khi Thủ tướng chỉ đạo "chưa xem xét" dự án vì chưa có cơ sở và căn cứ, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đề xuất này.
"Bộ KH&ĐT cùng với bộ ngành liên quan thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đề xuất dự án. Trong quá trình nghiên cứu, các bộ ngành liên quan xem xét đề xuất dự án với các quy hoạch của ngành, các quy hoạch liên quan để bổ sung vào quy hoạch, nếu thấy dự án này phù hợp".
Theo ông Tự, những ý kiến của nhà khoa học, giới chuyên gia phản biện cho dự án đều rất quý báu để trong quá trình nghiên cứu dự án, chúng tôi tiếp thu và chỉnh lý.
"Thời gian qua chúng tôi đã tiếp xúc, đã đọc được nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Những ý kiến đều hết sức quý báu, Bộ KH&ĐT hoan nghênh những đề xuất táo bạo của chủ đầu tư cũng như những phản biện của nhà khoa học. Nếu dự án tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, phải làm rõ tất cả những vấn đề tồn tại và câu hỏi của chuyên gia, người dân đưa ra".
Trước đó, sau khi thông tin Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem xét thông qua đề xuất dự án đường thủy xuyên Á trị giá 1,1 tỷ USD của Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) rất nhiều chuyên gia, học giả đã có ý kiến phản bác vì đề xuất của chủ đầu tư, Bộ KH&ĐT rất sơ sài, nhiều vấn đề còn chưa sáng tỏ như năng lực chủ đầu tư, hiệu quả dự án và đặc biệt nguy cơ phá hoại môi trường và thay đổi dòng chảy của sông Hồng.
Ngay sau đó, ngày 9/5 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “Chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật".
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Trước đó, trong buổi họp báo thương kỳ Chính phủ ngày 5/5, ông Tự thay mặt cho cơ quan Bộ KH&ĐT đã khẳng định: Dự án đường thủy xuyên Á đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và "nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương". Ông nói rõ: "Sự đồng thuận ở đây ở mức là báo cáo Chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu về dự án".
Theo Dân Trí