NASA phát hiện gần 1.300 ngoại hành tinh mới

Thứ tư, 11/05/2016, 08:56
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố việc phát hiện số lượng ngoại hành tinh mới lớn nhất trong lịch sử, mở ra hy vọng tìm thấy sự sống ngoài trái đất.

Các ngoại hành tinh mới được phát hiện (màu vàng) ở trong vùng có thể sinh sống được. Ảnh: Science Alert

Phát biểu trong buổi họp báo của NASA, các chuyên gia cho biết kính thiên văn Kepler đã xác nhận 1.284 ngoại hành tinh mới, phát hiện lớn nhất về các hành tinh cho đến nay. Ngoại hành tinh là hành tinh quay quanh một ngôi sao chủ khác ngoài hệ mặt trời. Kính thiên văn Kepler vẫn đang liên tục quan sát 155.000 ngôi sao có thể có hành tinh bay quanh.

9 trong số các ngoại hành tinh được công bố hôm nay có khả năng có thể sinh sống được. Điều này có nghĩa rằng chúng đang trong Vùng Goldilocks (có thể sống được), do đó nước có thể tồn tại ở đây.

Theo Natalie Batalha, nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Ames, một ngoại hành tinh được quan tâm đặc biệt là Kepler-1229b. Nó có kích thước tương đương trái đất nhưng gần giữa vùng có thể sinh sống được. Kepler-705b dường như cũng vậy.

Mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu là phát hiện ánh sáng từ một hành tinh có thể sinh sống được và phân tích các chất khí trong bầu khí quyển của hành tinh này. Kết quả có thể cho chúng ta biết liệu sự sống có thể tồn tại ở đó và trả lời cho câu hỏi "Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ hay không?".

NASA ước tính gần 550 thực thể được quan sát có thể là hành tinh đá như trái đất. Với việc phát hiện 9 hành tinh nói trên, tổng số ngoại hành tinh trong vùng có thể sinh sống được hiện là 21. Khi được hỏi về phương pháp nghiên cứu và phân tích các hành tinh mới được phát hiện, Batalha cho biết Kepler là một sứ mệnh dựa trên thống kê. Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ sử dụng kính thiên văn trên mặt đất và không gian để theo dõi các ứng viên mà Kepler đã tìm thấy.

Mô phỏng kính thiên văn Kepler trong vũ trụ. Ảnh: NASA

Theo ABC News, buổi họp báo diễn ra vào lúc 17h giờ GMT (tức 0h ngày 11/5 theo giờ Hà Nội), với sự tham gia của các chuyên gia NASA và những nhà nghiên cứu sứ mệnh Kepler. Chương trình được phát sóng trực tiếp và người yêu thiên văn có thể tham gia bằng cách gửi câu hỏi qua Twitter cùng dòng hashtag là #askNASA.

"Ngày mai sẽ ghi dấu trong lịch sử là ngày sự sống ngoài hành tinh được xác nhận", chuyên trang công nghệ Tech Radar viết trước khi cuộc họp báo diễn ra.

Kính thiên văn không gian Kepler được phóng lên vũ trụ năm 2009, với nhiệm vụ tìm kiếm các hành tinh giống trái đất ngoài hệ mặt trời. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 2012, Kepler tiếp tục thu thập dữ liệu thêm một năm và bắt đầu sứ mệnh thứ hai vào năm 2014. Trong thời gian này, nó đã giúp các nhà khoa học phát hiện gần 5.000 ngoại hành tinh.

Nhờ Kepler, NASA đã có thể thu thập kho dữ liệu về các vùng xa xôi bên ngoài trái đất. Các chuyên gia của NASA tin rằng có thể có ít nhất một hành tinh quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao chủ.

Năm 2015, kính thiên văn không gian Kepler phát hiện Kepler-452b, hành tinh có kích cỡ gần bằng trái đất và xoay quanh một ngôi sao trong 385 ngày. Việc phát hiện "trái đất thứ hai" được cho là thành tựu mang tính lịch sử trong nghiên cứu thiên văn học.

Theo Zing

Các tin cũ hơn