Năm 2003, các nhà thiên văn học dựa vào kết quả quan sát của kính thiên văn trên Trái đất và các dữ liệu do một vệ tinh của châu Âu bay vòng quanh sao Hỏa thu thập được cho biết họ đã phát hiện thấy những khối khí metan với tỉ trọng 50 phần tỉ trong bầu khí quyển của sao Hỏa.
Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng những phát hiện này đã làm dâng lên niềm hy vọng trong các nhà sinh vật học vũ trụ rằng có sự sống xuất hiện trên sao Hỏa.
Hình ảnh về khí metan (màu đỏ) trên sao Hỏa do kính thiên văn hồng ngoại ghi nhận |
Nhà khoa học Malynda Chizek ở đại học bang New Mexico hào hứng: “Khí metan trên sao Hỏa là một phát hiện thú vị bởi phần lớn khí metan trên Trái đất đều được sản sinh từ các quy trình sống, chẳng hạn như hoạt động của các vi khuẩn hoặc hoại tử hữu cơ.”
Thế nhưng niềm hy vọng tìm thấy sự sống trên sao Hỏa của các nhà khoa học ở NASA đã bị “vùi dập” sau khi robot Curiosity trên sao Hỏa không hề phát hiện ra bất cứ dấu tích nào của khí metan trên hành tinh này.
Hiện Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu thăm dò đầu tiên của nước này và châu Âu cũng đang phối hợp với Nga thực hiện sứ mệnh trị giá 1 tỉ USD nhằm tìm kiếm khí metan trên sao Hỏa trong năm tới, nhưng có vẻ như những nỗ lực này sẽ không đem lại bất cứ kết quả nào.
Mặc dù được trang bị một phổ kế laser cực kỳ hiện đại được thiết kế để đo các loại khí và thực hiện sứ mệnh thăm dò ngay trên bề mặt sao Hỏa, robot Curiosity cũng không thể phát hiện ra bất cứ chút khí metan nào.
Nhà nghiên cứu Christopher Webster của NASA nhận định: “Hiện có rất ít hoặc không hề có khí metan trên sao Hỏa, đồng nghĩa với việc có rất ít hoặc không hề có hoạt động của vi khuẩn sản sinh ra khí metan trên hành tinh này.
Tiến sĩ Webster và các đồng sự đã thực hiện 6 thí nghiệm trong 8 tháng qua khi robot thăm dò đi qua khu vực Gale Crater và phát hiện ra rằng tỉ lệ của khí metan trong khí quyển sao Hỏa chỉ là 1,3 phần tỉ. Đây có thể là vết tích của sự sống sản sinh khí metan trên sao Hỏa từ cách đây rất lâu chứ không phải hiện nay.
Robot thăm dò Curiosity của NASA trên sao Hỏa |
Nhà sinh vật học vũ trụ Michael Mumma tỏ vẻ thất vọng: “Thật là khó hiểu. Chúng tôi đã rất tự tin vào dữ liệu của mình.” Ông Mumma là một trong những người tuyên bố đã phát hiện ra khí metan trên sao Hỏa thông qua các kính thiên văn hồng ngoại trên Trái đất.
Một số nhà nghiên cứu không thuộc dự án Curiosity cho biết họ sẽ chưa đưa ra phán xét cho đến khi thực hiện được thí nghiệm trên toàn bộ bề mặt hành tinh này chứ không phải là trong khu vực Gale Crater nhỏ hẹp. Tuy nhiên các nhà khoa học NASA cho rằng điều đó là không cần thiết vì toàn bộ khí quyển trên sao Hỏa đều luân chuyển theo định kỳ 6 tháng một lần.
Mặc dù vậy, nhà khoa học Olivier Witasse thuộc dự án ExoMars của cơ quan vũ trụ châu Âu vẫn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xem xét toàn bộ hành tinh này. Nếu có khí metan ở nơi nào đó trên sao Hỏa thì chúng tôi sẽ phát hiện ra.”
Theo Khám Phá