Tổng thống mới của Philippines sẽ định hình lại quan hệ với Trung Quốc?

Thứ ba, 10/05/2016, 12:06
Trong số các ứng viên Tổng thống của Philippines, chỉ một ứng viên duy nhất có quan điểm “không hoan nghênh Trung Quốc” - chính sách được kế thừa từ chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino. Do vậy, kết quả bầu cử ngày 9/5 ở quốc đảo này được cho là sẽ chi phối quan hệ Philippines-Trung Quốc.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, ông Rodrigo Duterte có thể trở thành Tổng thống tiếp theo của Philippines.

Các hành động của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông và an ninh của Philippines đã trở thành những chủ đề về chính sách đối ngoại được thảo luận chính giữa các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống tại quốc gia Đông Nam Á thời gian qua. Đó cũng là lý do tại sao giới ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận và thảo luận với họ về những vấn đề liên quan.

Ông Ramon Casiple, Giám đốc điều hành của Viện Chính trị và Cải cách Bầu cử, cho biết: "Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã thảo luận với tất cả các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống, đúng với cách mà Đại sứ quán Mỹ tại đó làm với họ". Ông này cũng nêu ra ý kiến rằng có duy nhất một trong bốn ứng cử viên có quan điểm "không hoan nghênh Trung Quốc".

Theo Giám đốc Casiple, các ứng cử viên gồm Thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte, Thượng nghị sỹ Grace Poe và Thượng Nghị sỹ kiêm Phó Tổng thống hiện nay Jejomar Binay đều có quan điểm "hoan nghênh hợp tác" với Trung Quốc. Duy nhất người được Tổng thống Benigno Aquino chọn là ông Mar Roaxa có quan điểm "không muốn hợp tác" với Bắc Kinh.

Trong thời gian qua, chính phủ của Tổng thống Aquino đã “chọc giận” Trung Quốc khi gián tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông bằng việc đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Toà án Trọng tài Thường trực ở The Hague. Trung Quốc đã ngang ngược từ chối công nhận thẩm quyền của phiên toà, cũng như tuyên bố không chấp nhận phán quyết của toà án.

Trừ ứng cử viên Roaxa, cả ba ứng cử viên còn lại tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đều tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này đánh dấu một sự khởi đầu mới so với chính sách đàm phán đa phương được áp dụng dưới thời Tổng thống Aquino. Dĩ nhiên, ứng cử viên Roaxa luôn tuyên bố ông sẽ tiếp tục thực hiện chính sách của người tiền nhiệm nếu trúng cử.

Khi ông Aquino trúng cử Tổng thống hồi năm 2010, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khi đó là Liu Jianchao là một trong những chính trị gia nước ngoài đầu tiên tới chúc mừng ông. Tuy nhiên, Giám đốc Casiple lưu ý rằng vào lúc đó, lợi ích của Trung Quốc sau kết quả bầu cử đã bị ảnh hưởng dữ dội.

Hiện nay, ứng cử viên được xem là đáp ứng nhiều tiêu chí mà Trung Quốc hướng đến nhất là ông Duterte, người đang nắm giữ chức Thị trưởng thành phố Davao. Ông này từng nói: "Chúng ta không thể đánh bại họ (Trung Quốc). Hãy cùng nhau tiến hành khai thác dầu mỏ và khí đốt". Tuy nhiên, ông này cũng từng có lần tuyên bố đầy mạnh mẽ rằng ông có thể lái một chiếc chiến đấu cơ tới một trong những đường băng xây trên đảo nhân tạo của Trung Quốc ngoài Biển Đông và cắm cờ Philippines, một động thái mà rõ ràng Bắc Kinh không hài lòng.

Ông Duterte cam kết: "Nếu tình hình trở nên tồi tệ nhất, tôi sẽ không phí phạm sinh mạng của binh sĩ Philippines. Tôi sẽ tự mình tới khu vực giới tuyến ngoài biển, có thể sẽ có ai đó đưa tôi ra đó. Với một chiếc máy bay, tôi sẽ ra đó với một lá cờ. Khi hạ cánh, tôi sẽ cắm cờ trên đường băng của họ và nói với giới chức Trung Quốc rằng: 'Giết tôi. Đừng giết binh sĩ của tôi'".

Những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, hoàn thành các đường băng và bến cảng. Thời gian gần đây, có những ý kiến quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sớm xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough. Cuối tuần trước, ứng cử viên Duterte đã cáo buộc Tổng thống Aquino và Thượng nghị sỹ đồng minh, ông Antonio Trillanes tội danh phản quốc khi ông Aquino cản trở nỗ lực của một sĩ quan về hưu trong kế hoạch tái chiếm lại bãi cạn Scarborough, thay vào đó người đứng đầu chính phủ Philippines lựa chọn phương án đàm phán với Trung Quốc.

"Sau 16 chuyến công du của Thượng nghị sỹ Trillanes, Trung Quốc bắt đầu xây dựng ở bãi cạn Scarborough", ông Duterte cáo buộc.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn