Cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh |
Chiều ngày 9-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và vụ cá chết bất thường thời gian vừa qua.
Theo đó, từ ngày 6 đến 18-4, tại khu vực ven biển thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tình trạng các đối tượng thuỷ sản nuôi trồng (cá, tôm, ngao) và hải sản tự nhiên bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trong đó, các loại thuỷ sản nuôi trồng chết khoảng 82 tấn. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 4,71 tỉ đồng. Các loại thuỷ, hải sản tự nhiên chết trôi dạt vào bờ đã được thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn. Từ ngày 24-4, có một số cả nuôi lồng bè, ngao và cá tự nhiên chết rải rác trôi dạt vào bờ nhưng số lượng ít, không đáng kể. Từ ngày 28-4 đến nay không còn phát hiện hải sản chết bất thường.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã Quyết định thành lập Ban Chi đạo do Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Ban trực để chỉ đạo khôi phục sản xuất, khai thác thuỷ, hải sản, đảm bảo ổn định tình hình tại thị xã Kỳ Anh. Đến nay tại địa bàn Khu kinh tế Vũng Ảng nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung tình hình cơ bản được kiểm soát và ổn định.
Bước đầu cấp hỗ trợ các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại 750 triệu đồng; hỗ trợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng, đã chuyển 605,65 tấn gạo đến các địa phương và đã cấp phát đến 6.388 hộ dân (26.912 khẩu).
Tỉnh đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thu mua hải sản cho ngư dân; đến ngày 7-5 đã thu mua được 243 tấn. Hiện tại, tỉnh đang chi đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê chính xác các nội dung thuộc đối tượng được hỗ trợ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/IB-VPCP ngày 2-5-2016 để kịp thời triển khai ngay sau khi có quyết định cụ thể.
Các cơ quan chức năng của Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tiến hành quan trắc, công bố các chỉ số môi trường biển 1 ngày 1 lần, đặc biệt tại các khu du lịch ven biển để mọi người dân biết; đồng thời triển khai lấy mẫu quan trắc môi trường biển, hải sản đánh bắt tại vùng lộng (từ 20 hải lý trở vào) để công bố cho người dân biết, chủ động tham gia các hoạt động du lịch, đánh bắt hải sản.
Kết quả cho thấy chất lượng các mẫu hải sản, mẫu nước biển được kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn.
Hiện tại, tỉnh đang phối hợp với các Đoàn công tác của các Bộ, ngành, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành lấy mẫu nước, trầm tích và các mẫu khác để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và xác định nguyên nhân thuỷ, hải sản chết.
Đến ngày 8-5-2016 có tổng cộng 2.663/3.750 tàu ra khơi đánh bắt hải sản (đạt 71%), trong đó tàu khai thác xa bờ (ngoài 20 hải lý) là 196/253 tàu (đạt 77,5%), tàu khai thác gần bờ (từ 20 hải lý trở vào) là 2.467/3.497 tàu (đạt 70,5%).
Cũng tại báo cáo này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua có bước phát triển đột phá. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 23,89% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng sô vốn đăng ký trên 49.700 tỉ đồng và 21 tỉ USD. Khu kinh tế Vũng Áng từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng, với các sản phẩm chủ lực là thép, nhiệt điện và dịch vụ cảng biển. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 10,5 tỉ USD được triển khai đúng tiến độ; Công trinh cảng biển gồm 11 cầu cảng, tàu từ 5 - 30 vạn tấn cập bến, có 9 cầu cảng đã đưa vào sử dụng; Dây chuyền cán nóng thép cuộn đã sản xuất được trên 38.700 tấn thép xuất bán ra thị trường; Tổ hợp Nhiệt điện gồm 5 tổ máy, tổng công suất 650 MW, Tổ máy số 01 đã đi vào hoạt động. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,7 tỉ USD đã đi vào hoạt động, 4 tháng đầu năm 2016 cung ứng cho lưới điện quốc gia 1.109,57 triệu kwh; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 2,45 tỉ USD, do Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư, đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng do Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư, đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư theo hình thức BOT. |
Theo NLĐ