Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Bình cho biết, ngày 7/5, đoàn công tác của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng một nhóm thợ lặn ở Nha Trang đã phối hợp với Sở TN-MT Quảng Bình lặn khảo sát, lấy mẫu ở một số điểm được cho là có hiện tượng cá chết xếp tầng, hải sản và rạn san hô chết dưới đáy biển.
Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng Sở TN-MT chuẩn bị cho cuộc khảo sát |
Khác với phản ánh của ngư dân, điều bất ngờ là các cảnh quay dưới biển của đoàn công tác cho thấy không phát hiện cá chết xếp tầng dưới đáy biển hay mắc trong rạn san hô, cũng không có hiện tượng nước màu trắng đục nghi có hóa chất...
Ông Hào cho biết thêm, các mẫu đoàn đã lấy dưới đáy biển như bùn đất, xác thủy hải sản, san hô và các trầm tích phải được phân tích rất cẩn trọng, chuyên sâu. Ngoài ra, các mẫu nước biển ở tầng đáy, tầng mặt cũng phải phân tích một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Còn hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra một nhận định cụ thể nào.
Tàu chở đoàn công tác thả neo cách cửa sông Nhật Lệ chừng 3 hải lý. |
Trước đó, cũng trong ngày 7/5, PV đã cùng một nhóm thợ lặn ở xã Quang Phú, TP.Đồng Hới có thâm niên trên 30 năm mưu sinh trên biển, đi khảo sát vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ, TP.Đồng Hới khoảng 3 hải lý.
Kết quả sau khoảng 30 phút lặn tìm dưới đáy biển, nhóm thợ lặn đã mang lên một bao lưới trong đó có những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
Từng rạn san hô đổi màu từ hồng sang trắng
|
Hàu, vẹm, hải sâm... chết đang trong quá trình phân hủy |
Các thợ lặn này cũng cho biết, khoảng hơn 2 tuần trước đó, trong lúc lặn dưới biển, cách đất liền từ 2 - 3 hải lý, họ có thấy cá chết rất nhiều nằm dưới tầng đáy biển. Tuy nhiên ở thời điểm này không còn thấy con cá nào, dù là cá sống hay cá chết.
Theo Dân Trí