Parkson thương hiệu cao cấp |
Người Việt thích mua đồ cao cấp, và họ sẽ mua ngày một nhiều hơn. Đó là những gì Parkson nghĩ khi đặt chân tới Việt Nam cách đây 10 năm.
Khác với các ông lớn ngoại quốc thường chọn con đường kinh doanh siêu thị khi đầu tư vào Việt Nam, Parkson đi theo con đường tạo lập một hệ thống trung tâm thương mại cao cấp mang chuẩn quốc tế.
Năm 2005, Parkson mở trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM. Sau 6 năm, con số mà Lion sở hữu ở Việt Nam là 10 trung tâm, với 2 địa chỉ tại Hà Nội, tọa lạc tại những khu vực đông đúc và nổi bật nhất của thủ đô. Ở TP.HCM, năm 2011, khi mở trung tâm Parkson Paragon ở đường Nguyễn Lương Bằng, Lion từng kỳ vọng sẽ giữ được sự sầm uất tại nơi đây đến 19 năm.
Thế nhưng, chỉ 5 năm sau, 2 đơn vị của Parkson phải đóng cửa với cùng một kịch bản vội vàng như đánh úp đối tác. Parkson Keangnam đột ngột đóng cửa chỉ trong vòng 1 đêm, còn Parkson Paragon ra đi mà không rõ lý do di dời, cũng như thông tin về những khách thuê bán hàng tại đây sẽ đi về đâu..
Những đối thủ kinh doanh một thời của Parkson cũng chẳng khá khẩm hơn. Mô hình trung tâm thương mại cao cấp như một quả bóng xì hơi, nhanh chóng lao dốc với sự ra đi của những cái tên như Grand Plaza, thậm chí Hang Da Galleria còn có cái chết được dự báo từ trước khi ra mắt.
Mỗi đơn vị có một lý do riêng lý giải cho sự thất thế của mình. Nếu như Grand Plaza đóng cửa được cho là do mô hình hoạt động chưa phù hợp, Hang Da Galleria là dấu hỏi về quy hoạch thì cái kết của Parkson được đồn đoán là mâu thuẫn giữa chủ cho thuê và khách thuê. Tuy nhiên, kinh doanh thua lỗ, không đủ bù chi phí thuê mặt bằng là mẫu số chung của ế ẩm các trung tâm thương mại cao cấp này.
Báo cáo khảo sát thị trường của Savills Việt Nam, CBRE Việt Nam, Jones Lang LaSalle Việt Nam cũng cho biết, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội đã vượt con số 1 triệu m2.
Diện tích tăng lên, nhưng phần lớn tập trung ở khu vực ngoại thành khiến giá thuê mặt bằng trung bình tại cả hai thành phố này đều giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, con số này vẫn đứng ở mức 70-100 USD/m2, trong khi doanh thu trên cùng diện tích lại chỉ đạt khoảng 70 USD/tháng. Bài toán lỗ lãi với tất cả các đối tác là dễ dàng nhìn ra.
Theo báo cáo tài chính của Parkson, doanh thu 3 tháng cuối cùng năm 2015 của các trung tâm đã giảm 12%, chỉ đạt mức 103 triệu USD. Mặc dù kết quả này đến từ việc Parkson vừa mở cửa một số địa điểm mới tại Malaysia và Myanmar, kéo theo việc phải chịu lỗ đầu tư ban đầu, nhưng cũng có lý do từ việc kinh doanh kém hiệu quả tại một số thị trường trọng điểm, trong đó có Việt Nam.
CEO Toh Peng Koon của Parkson từng nhận định rằng Việt Nam là thị trường khó khăn nhất của tập đoàn này, nhất là khi xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh. Sự tham gia của các ông lớn bán lẻ tại Nhật, Hàn Quốc, hay sự nổi lên của cả các doanh nghiệp trong nước đã khiến những trung tâm cao cấp như Parkson ngày càng chồng chất khó khăn.
Trong vụ việc đóng cửa trung tâm tại Keangnam Landmark, Parkson thừa nhận sự ảm đạm về kết quả kinh doanh là nguyên nhân chính khiến ông lớn này từ bỏ việc kinh doanh tại đây. Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra , thậm chí các đối tác cũng chịu thua lỗ.
Theo Trí Thức Trẻ