Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến đồng ý. Dự thảo gồm 4 chương, 48 điều.
Đáng chú ý, Điều 26 của Dự thảo Nghị định này có quy định về 19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó có nhiều khoản chi “bất ngờ”.
19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm cả tiền hiếu, hỷ, chi phí nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động…
Tiền hiếu, hỷ cũng là chi phí sản xuất kinh doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tất cả các khoản phí đó được tính vào giá điện, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. |
Dự thảo Nghị định nêu rõ chi phí hoạt động kinh doanh của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính.
Thế nhưng, lại bao gồm cả khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, Tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Dự thảo Nghị định quy định có 4 khoản chi phí không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Đó là chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình; chi phí lãi vay vốn được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng; các khoản chi phí khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của EVN; các khoản chi không có chứng từ hợp lệ; các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh EVN mà do cá nhân gây ra.
Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, thông thường người ta không làm thế. Người ta phải trích tiền từ 1 quỹ khác chứ không phải tính cả vào chi phí kinh doanh.
Ông Ánh phân tích, trong hoạt động của các doanh nghiệp thường có nhiều loại quỹ như quỹ lương, quỹ bảo hiểm y tế hay quỹ công đoàn…
“Thậm chí có nơi còn có quỹ phúc lợi do lãnh đạo cơ quan quản và họ lấy tiền từ đó để trang trải các khoản phúc lợi cho người lao động chứ ít khi tính tiền đó vào chi phí kinh doanh. Hơn nữa, các khoản hiếu, hỷ, nghỉ mát…là chi phí đột xuất, nếu gộp cả vào chi phí kinh doanh thì tính kiểu gì?”, ông Ánh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tất cả các khoản phí đó được tính vào giá điện, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
“Cần tính những khoản đó vào chi phí hành chính ở mức độ hợp lý chứ không nên đưa toàn bộ tiền hiếu, hỷ…cho nhân viên EVN vào khoản kinh phí khách hàng phải gánh chịu. Điều đó phi lý quá!
Đó không phải là chi phí sản xuất. Nếu EVN được tính như thế, toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng “đòi” tính thế thì giá thành ở Việt Nam sẽ tăng vọt ra sao?”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, Bộ Tài chính cần có chính sách bình đẳng, công khai, minh bạch.
“Nếu Bộ Tài chính đặc cách cho EVN là không bình đẳng và không nên”, ông Doanh khẳng định.
Tiền khen thưởng lấy từ Quỹ đầu tư phát triển
TS Lê Đăng Doanh cho rằng quỹ khen thưởng không đủ thì được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển là không được. |
Một điểm đáng chú ý nữa của Dự thảo Nghị định đó là tại mục 3 điều 30 (Phân phối lợi nhuận) của dự thảo Nghị định có quy định, trong trường hợp không đủ nguồn tiền để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên thì EVN được giảm trừ phần lợi nhuận trích lập Quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào Quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng quỹ khen thưởng không đủ thì được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển là không được.
“Khen thưởng liên quan gì đầu tư phát triển? Tôi đề nghị cần áp dụng cho EVN các quy định bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Doanh nhấn mạnh.
Theo Nghị định, doanh thu của EVN chủ yếu tới từ 3 nguồn. Thứ nhất, từ việc bán điện cho các công ty phân phối điện, bán điện cho các công ty phát điện để sản xuất điện và bán điện cho các đơn vị khác, các khoản trợ cấp của Nhà nước (nếu có) cho EVN khi EVN thực hiện cung cấp điện theo nhiệm vụ Nhà nước giao mà thu không đủ bù đắp chi, doanh thu từ cho thuê cột điện.
Thứ hai, các khoản thu phát sinh từ tiền bản quyền, cho các bên khác sử dụng tài sản của EVN, tiền lãi từ việc cho vay lại vốn, lãi tiền gửi, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi cho thuê tài chính; chênh lệch lãi do bán ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, kể cả chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ có tỷ giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính thấp hơn tỷ giá ghi trên sổ kế toán; tiền thu từ chuyển nhượng vốn của EVN đầu tư tại doanh nghiệp khác (sau khi trừ giá trị vốn đã đầu tư của EVN, chi phí, thuế chuyển nhượng); lợi nhuận, cổ tức được chia từ việc đầu tư ra ngoài EVN (bao gồm cả phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quỹ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ), khoản thu phát sinh do Vốn chủ sở hữu cao hơn vốn điều lệ tại các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ (đối với phần vốn chủ sở hữ tăng thêm từ nguồn lợi nhuận sau thuế).
Ngoài ra, EVN còn có các khoản thu nhập khác gồm các khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, tài sản thừa do kiểm kê, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, giá trị tài sản trí tuệ được bên nhận vốn góp chấp nhận, được ghi nhận là thu nhập khác của EVN và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Zing