Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình khoản lãi lớn lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Trong quý I/2016, doanh thu tập đoàn giảm 27,4% xuống 27.550 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 3 cùng kỳ, lên 1.134 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ kinh doanh xăng dầu chiếm gần 48%, tương đương 658 tỷ đồng.
Petrolimex lãi lớn vì giá dầu ổn định ở mức thấp, các nhiên liệu bay, vận tải cho lợi nhuận lớn |
Lý giải về nguyên nhân lãi lớn, Petrolimex cho biết sản lượng xăng dầu của tập đoàn này tăng 3% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực kinh doanh của Petrolimex đều có mức tăng trưởng khả quan so với năm 2015, một số lĩnh vực như nhiên liệu bay, vận tải có lợi nhuận tăng mạnh.
Trong khi đó vào cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng sụt giảm của giá dầu từ năm 2014 để lại nên kết quả kinh doanh của đơn vị này thấp hoặc thua lỗ.
Petrolimex cũng cho biết, đầu năm 2016, các chính sách tiền tệ ổn định, lãi suất cho vay duy trì hợp lý, tỷ giá có xu hướng giảm nên chi phí phát sinh của tập đoàn giảm so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hoàn nhập khoản dự phòng vào các công ty con kinh doanh bết bát, thua lỗ trước đó nhưng sang quý I/2016 lại có lãi.
Giá dầu biến động trong biên độ hẹp nên tập đoàn đã không bị rủi ro khi dự trữ xăng dầu bán và có cơ sở để kinh doanh linh hoạt, phân bổ nguồn lực giữa công ty mẹ và thành viên.
Riêng với công ty mẹ, lãnh đạo Petrolimex cho biết, ngoài những lý do trên, lợi nhuận còn tăng do số dư vay nợ giảm, dồn tích lợi nhuận sau thuế năm 2015. Giá dầu giảm, tỷ giá ổn định làm chi phí tài chính tại công ty mẹ giảm.
Hiện Petrolimex gồm công ty mẹ và 70 công ty con, trong đó có 43 công ty xăng dầu do tập đoàn sở hữu 100% vốn, 27 công ty con khác, một công ty liên doanh và 13 công ty liên kết.
Trước đó, số liệu hải quan cũng cho biết do sự sụt giảm về đơn giá nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng năm 2016 là 1,7 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại giảm 33,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 có xuất xứ từ: Singapore với gần 836.000 tấn, tăng 51,2%; Thái Lan là 206.000 tấn, tăng 2%; Trung Quốc là 200.000 tấn, giảm 40,8%...
Theo VNE