Kìm tăng giá xăng dầu vì doanh nghiệp lãi “khủng”?

Thứ năm, 19/05/2016, 08:45
Giá xăng dầu kỳ điều hành hai ngày tới (20/5) có thể được kìm giữ, vì các DN xăng dầu vừa công bố lãi khủng và chênh lệch giá cơ sở so với giá bán lẻ xăng dầu trong nước kỳ này đang chỉ tương đương mức trích quỹ bình ổn giá.

Tăng giá kêu lỗ, báo cáo lại lãi

Giá dầu thế giới những ngày qua liên tục biến động tăng lên, gần chạm ngưỡng 50 USD/thùng, khiến người dân không khỏi lo ngại kỳ điều hành ngày 20/5 tới giá xăng dầu trong nước sẽ lại tiếp tục tăng lên.

Lo ngại giá xăng dầu tăng càng có cơ sở khi số liệu cập nhập trên website của Bộ Công thương (tính đến ngày 16/5) cho biết, giá bán xăng dầu tại thị trường Singapore kỳ này đều cao hơn so với ngày 5/5 (thời điểm giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng). Cụ thể, giá xăng khoảng 57,28 USD/thùng, giá dầu hỏa khoảng 55,36 USD/thùng, cao hơn 3-3,96 USD/thùng so với ngày 5.5. Mức chênh lệch giá được tính sẽ còn biến động trong vài ngày tới.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo một DN xăng dầu lớn ở phía Nam cho biết, giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh nhất những ngày cuối chu kỳ này, còn ở đầu chu kỳ (thời điểm từ 5/5), giá xăng dầu vẫn giảm. Do vậy, chênh lệch giá cơ sở so với giá bán lẻ hiện tại chỉ tương đương mức trích quỹ bình ổn giá đang áp dụng, tức DN xăng dầu chỉ đang “lỗ tương đương mức trích quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu”.

“Nếu cơ quan Nhà nước tiếp tục sử dụng Quỹ để bù đắp thì giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này có thể sẽ không bị tăng lên”- vị lãnh đạo DN này cho biết.

Thực tế, dù liên tục trích quỹ bình ổn trong những kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, song theo công bố của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn còn khá nhiều tiền. Số liệu tính đến hết quý I/2016 của Bộ này cho thấy, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn ở mức 3.787 tỉ đồng (cộng cả tiền lãi phát sinh khi gửi tiền quỹ bình ổn giá tại ngân hàng).

Với số quỹ này, người tiêu dùng có thể hy vọng cơ quan điều hành tiếp tục có điều kiện sử dụng công cụ quỹ để giảm bớt việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu hai ngày tới. Ở thời điểm hiện tại (từ 5-5), các mặt hàng xăng dầu vẫn đang được sử dụng từ quỹ bình ổn giá số tiền nhiều hơn mức trích lập. Cụ thể, xăng A92 được sử dụng 639 đồng/lít; xăng E5 là 672 đồng/lít; dầu diesel là 846 đồng/lít; dầu hỏa là 1.029 đồng/lít và dầu madut là 323 đồng/kg.

Một lý do nữa khiến giá xăng dầu kỳ điều hành hai ngày tới có thể không tăng, theo nhiều ý kiến là do các DN xăng dầu, cụ thể là “ông lớn” Petrolimex-như thường lệ-vừa công bố lãi “khủng”. Trong quý I/2016, doanh thu của Petrolimex giảm 27,4% xuống 27.550 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 3 cùng kỳ, lên 1.134 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ kinh doanh xăng dầu chiếm gần 48%, tương đương 658 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nói: "DN xăng dầu liên tục công bố lãi lớn, cơ quan quản lý Nhà nước không thể không cân nhắc tới tâm lý người dân lúc này. Nếu liên bộ tiếp tục tăng giá xăng dầu kỳ này trong khi quỹ bình ổn vẫn còn có thể bù đắp, có lẽ là điều hết sức không tốt. Do vậy, tôi tin giá xăng dầu nhiều khả năng tiếp tục được bù từ quỹ bình ổn giá để không phải tăng tiếp”.

Có “tăng nhanh giảm chậm”?

Thực tế, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, giá xăng trong nước vẫn "tăng nhanh giảm chậm" so với giá thế giới. Thông tin từ cuộc họp Tổ điều hành Thị trường trong nước được báo chí tiết lộ gần đây nhất cho thấy, trong tháng 4, trên thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giá bình quân trong tháng 4 của các mặt hàng xăng dầu tăng từ 1 - 5% so với tháng 3; bình quân 4 tháng đầu năm 2016, giá các mặt hàng đều giảm từ 27 - 47% so với cùng kì năm 2015, trong đó xăng RON 92 giảm khoảng 29%, dầu diesel giảm 41%.

Đáng lưu ý, giá bán lẻ xăng trong nước tại thời điểm cuối tháng 4.2016 chỉ giảm khoảng 13,5% so với tháng 4.2015 năm 2015; giá dầu diesel cũng chỉ giảm khoảng 30,5%.

Trước đó, số liệu do Tổng cục Hải quan công bố cũng cho thấy, trong quý I/2016, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 702.000 tấn xăng, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu tương ứng giảm từ 463 xuống 283 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 31%. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm khoảng 16,5% so với tháng 3.2015 (từ 17.280 đồng/lít về 14.420 đồng/lít).

Trong cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn khẳng định, công tác điều hành giá xăng dầu tại hiện nay đã đảm bảo công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Giá xăng dầu hiện điều hành theo đúng Nghị định 83 của Chính phủ. Hiện giá xăng dầu đã tiệm cận với giá thế giới và công khai minh bạch, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước".

Tại thị trường Singapore (thị trường nhập xăng dầu chính của Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6.2016 đã tăng lên 48,34 USD/thùng. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7.2016 cũng tăng lên 49,38 USD/thùng.

Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, rất có thể giá dầu sẽ vượt ngưỡng 50 USD/thùng trong vài ngày tới.Trong lần điều chỉnh hôm 5.5, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối tăng 646 đồng/lít xăng RON92, lên mức tối đa 15.586 đồng/lít; tăng 634 đồng/lít xăng E5, lên không cao hơn 15.076 đồng/lít.

Cùng với xăng, giá dầu diesel tăng 650 đồng, lên tối đa 11.023 đồng/lít; dầu hỏa tăng 550 đồng, lên mức tối đa 9.455 đồng/lít; dầu madút không cao hơn 7.860 đồng/kg sau khi tăng 300 đồng/kg. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 5.5 giá xăng đã tăng 3 lần , tổng cộng là 1.170 đồng/lít sau khi về mức thấp kỷ lục trong 7 năm qua, xuống dưới 14.000 đồng/lít hồi giữa tháng 2.2016.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn