Thông tin này nhận được rất nhiều quan tâm của các chuyên gia và người dân.
Liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng, mở ra một môi trường cạnh tranh với nhiều nhân tố mới hơn trong thị trường xăng dầu và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này?
Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua xăng dầu? |
Theo PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong lĩnh vực xăng dầu, VN vẫn chưa có thị trường cạnh tranh thật sự khi vẫn còn những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
“Đó là điều bất lợi cho một nền kinh tế thị trường và cho người tiêu dùng”, ông Long nói.
Sự vào cuộc của những doanh nghiệp, nhà phân phối nước ngoài sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường xăng dầu, gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp nội địa.
Qua đó buộc các doanh nghiệp nội địa phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả… để tồn tại và cạnh tranh.
TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định tự do hóa kinh doanh là xu hướng chung và việc mở cửa để nhà phân phối ngoại tham gia thị trường xăng dầu sẽ làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Từ đó sẽ có những biến chuyển theo hướng tích cực về chất lượng sản phẩm, công nghệ, công cụ bán hàng.
Theo các chuyên gia, trong xu thế cạnh tranh, giá cả thị trường thường ép sát giá thành. Do đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
“Chất lượng, hiệu quả, giá thành… của những nhà phân phối được thể hiện rõ ràng hơn và người tiêu dùng có quyền so sánh, lựa chọn những gì phù hợp nhất với mình” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Mặt khác, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng phải gia tăng thêm các hoạt động kiểm soát, giám sát để cập nhật và xử lý các vi phạm.
“Mặt trái duy nhất của việc này là thay vì người Việt thu được lợi nhuận, có công ăn việc này thì nay phải chia sẻ với doanh nghiệp ngoại” - TS Nguyễn Minh Phong nói.
TS Huỳnh Thế Du, chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, đánh giá “chìa khóa” của môi trường cạnh tranh thật sự lành mạnh không nằm ở việc nhà phân phối nội hay ngoại tham gia thị trường mà nằm ở cơ chế cạnh tranh của ngành.
“Trên thực tế, thị trường xăng dầu hiện nay đã có nhiều nhà phân phối nhưng chính cơ chế điều tiết giá mặt hàng này đã tạo nên một thị trường “méo mó” như thế. Nếu cơ chế cạnh tranh sòng phẳng thì chưa cần đến nhà phân phối ngoại, các nhà đầu tư, phân phối nội địa cũng đủ làm nên một thị trường sôi động rồi” - TS Huỳnh Thế Du nói.
Theo TS Huỳnh Thế Du, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cơ quan quản lý - điều tiết chỉ nên quy định giá, cách thức áp thuế cho tất cả doanh nghiệp, nhà phân phối trên thị trường thay vì cơ chế như hiện nay. Khi đã có môi trường cạnh tranh sòng phẳng thì doanh nghiệp nào làm ăn minh bạch, rõ ràng và hiệu quả sẽ thắng thế, bất kể là ngoại hay nội.
Bên cạnh đó, TS Huỳnh Thế Du cho rằng một vấn đề cần lưu ý là phải có những chiến lược phù hợp để tránh tình trạng khi doanh nghiệp ngoại xen chân vào thị trường, doanh nghiệp VN không chống đỡ nổi hoặc không tận dựng được ưu thế để tăng sức cạnh tranh và cuối cùng lại trở thành người làm thuê cho nước ngoài.
“Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng tại VN thì các doanh nghiệp tư nhân lại là đối tượng chịu nhiều bất lợi hơn so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế chưa hẳn có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài là lợi bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, tạo được thế độc quyền thì còn rắc rối hơn nữa”, TS Huỳnh Thế Du nhận định.
Nhiều người thể hiện sự phấn khởi trước thông tin sẽ có doanh nghiệp ngoại tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu VN trong thời gian tới.
Các ý kiến cho rằng có cạnh tranh mới phát triển được, hòa nhịp với xu hướng thế giới và phải cạnh tranh để biết ai hơn ai.
“Đây là tín hiệu vui của nền kinh tế thị trường. Có cạnh tranh thì người dân mới có lợi”, bạn đọc Thachpham chia sẻ.
Bạn đọc Trần Công Sơn nói mình rất vui mừng vì sắp được thành "thượng đế" khi mua xăng. "Mình được lựa chọn xăng khi dùng và có thể chọn nơi đong đúng, đong đủ…" - bạn đọc Sơn nói.
Theo Tuổi Trẻ