|
Nhà máy của LG ở khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, do SGI đầu tư - Ảnh: T.Linh |
SGI là chủ đầu tư của nhiều khu công nghiệp (KCN) ở VN, nơi có nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang hoạt động. Qua thực tế, ông thấy TPP liệu có mang đến cho VN một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới hay không, thưa ông?
Chắc chắn là có, cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Gần đây, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến VN tìm hiểu cơ hội đầu tư. Họ đang đi trước để đón đầu khi TPP có hiệu lực. Các KCN của chúng tôi cũng đón tiếp số lượng NĐT nước ngoài tăng vọt. Quan hệ thương mại giữa VN với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào VN từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối; chính phủ các nước sẽ có những chính sách tạo điều kiện để các DN nước này mở rộng đầu tư sang VN.
Thêm vào đó, VN được đánh giá là nước có nhiều lợi thế xuất khẩu và đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Các NĐT rất nhanh nhạy, họ mong muốn đầu tư vào VN để hưởng những ưu đãi từ TPP mà VN là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất khi tham gia TPP.
Làn sóng FDI mới này có những điểm khác biệt nào so với những giai đoạn trước, chẳng hạn sau khi VN gia nhập WTO hay các hiệp định kinh tế khác?
TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm 12 quốc gia với GDP bằng 40% thế giới có mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ NĐT... Hơn nữa, TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế vượt qua phạm vi WTO như chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước... TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI vào thị trường có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong số các thành viên. Vì thế, VN là nước được hưởng lợi lớn nhất so với các nước TPP khác. Do đó, cơ hội cho VN trong thu hút FDI từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối là rất to lớn. Nhiều DN thực hiện chính sách dịch chuyển đầu tư từ một số nước sang VN. Vì vậy, làn sóng FDI mới này sẽ vô cùng mạnh mẽ. Đó là những điểm khác biệt.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa những giá trị mà FDI mang lại cho nền kinh tế trong giai đoạn tới, VN cần cải cách mạnh mẽ các chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch để một là sẵn sàng tiếp nhận một lượng lớn FDI mà không lo quá tải, hai là chuẩn bị hội nhập sâu rộng cho DN VN. Như vậy sẽ phát huy được giá trị gia tăng của cả DN trong nước lẫn DN FDI, tránh phải cạnh tranh lẫn nhau.
Trên thực tế, luồng vốn FDI mới đăng ký đầu tư vào hệ thống các KCN thuộc SGI như thế nào trong thời gian qua và liệu sau TPP, ông có cho rằng sẽ còn hút được thêm nhiều dự án?
Đối với hệ thống các KCN của SGI, chúng tôi cũng đã chuẩn bị từ nhiều năm để đón đầu làn sóng FDI mới. Chẳng hạn, đã chuẩn bị quỹ đất đủ lớn cũng như cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho thuê ở hầu hết các địa phương trọng điểm nhằm chủ động thu hút đầu tư, đáp ứng được đa dạng nhu cầu của NĐT.
Bản thân tôi là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC); tôi còn là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) nên nắm sát tiến độ đàm phán TPP. Vì vậy, chúng tôi đã có được dự báo và có sự chuẩn bị tốt. Hoạt động kinh doanh của KBC chắc chắn sẽ rất thuận lợi và kịp thời nắm bắt được thời cơ. Từ năm 2013, hệ thống KCN của chúng tôi đã bùng nổ về thu hút đầu tư nước ngoài. Hoạt động kinh doanh cũng rất khởi sắc. Năm 2015 vẫn là một năm khó khăn đối với DN VN, tuy vậy chúng tôi đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh ngoạn mục. Riêng về thu hút đầu tư, chúng tôi đã có được thêm rất nhiều NĐT mới trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Chỉ riêng một KCN ở Hải Phòng của SGI đã thu hút đầu tư từ LG và các DN vệ tinh lên tới 5 tỉ USD.
Lý do gì ông tự ứng cử ở Quốc hội khóa mới khi đã quá bận rộn với vai trò doanh nhân?
Với xu thế phát triển, DN tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế VN. Để tiếng nói của giới DN tư nhân đến được nhà hoạch định chính sách, họ phải có đại diện tham gia các cơ quan dân cử và tham gia mạnh mẽ để nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan dân cử.
Với trách nhiệm và tâm huyết, đồng thời với kinh nghiệm và năng lực cá nhân, tôi đủ khả năng, trình độ và nhiệt huyết để mang tiếng nói của cử tri là DN đến nghị trường, đến các nhà hoạch định chính sách... Tôi nhận thấy còn nhiều món nợ mà tôi chưa trả được với cử tri, với DN. Đây không phải món nợ cá nhân mà là trách nhiệm của tôi cần phải mang tiếng nói của cộng đồng DN đến với Quốc hội để có thể đưa ra những chính sách kinh tế tốt hơn, minh bạch và rõ ràng hơn, bình đẳng hơn thì DN mới hăng say lao vào sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp mạnh mẽ hơn cho xã hội, mới hy vọng nâng cao được đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tôi có nói với lãnh đạo Hiệp hội DN TP.HCM là khóa trước, tôi được hiệp hội giới thiệu ra ứng cử và trúng cử. Khóa này, tôi không thể giành phần của người khác mà mong hiệp hội chọn và trao cơ hội cho người khác. Do vậy, tôi mới mạnh dạn tự ứng cử, còn trúng cử hay không là phụ thuộc vào cử tri. Tôi chỉ thể hiện quyết tâm lớn và trách nhiệm cao của một công dân.
Theo Thanh Niên