Ông Đặng Thành Tâm: 'Khi sống dở chết dở, tôi không dám nghĩ đến ứng cử Quốc hội'

Thứ hai, 11/04/2016, 11:51
Từng chia sẻ cảm thấy không hợp làm chính trị gia, song gần đây, vị doanh nhân họ Đặng lại quyết định ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. 

Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn và Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) đã chia sẻ những lý do dẫn tới quyết định ứng cử Đại biểu Quốc hội cũng như công việc kinh doanh hiện tại.

- Từng chia sẻ cảm thấy mình không hợp làm chính trị. Tại sao ông lại quyết định tiếp tục ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa tới?

- Lúc tôi nói mình "không có số" làm chính trị, muốn được bình yên là khi đang trong giai đoạn sống dở, chết dở. Thực tế khi đó, công ty tôi nợ rất nhiều, mỗi ngày đều có thông báo của các ngân hàng giục trả nợ. Tôi còn không biết liệu có phải dính đến tù tội hay không, ngày mai sẽ sống chết ra sao? Tình trạng lúc đó bi đát, thân mình còn lo không xong thì nghĩ gì đến việc làm đại biểu để lo cho dân cho nước.

Sau đó nhờ các chính sách và kinh tế Việt Nam tốt lên, được các ngân hàng giãn nợ và được sự giúp đỡ của nhiều người nên giờ đây tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Doanh nghiệp đã có nguồn thu và lợi nhuận, ngân hàng mở hầu bao cho vay lại, hoạt động dần ổn định và đầu óc tôi cũng tỉnh táo, sáng suốt lên.

ong-dang-thanh-tam-khi-song-do-chet-do-toi-khong-dam-nghi-den-ung-cu-quoc-hoi

Ông Đặng Thành Tâm cho biết đang nỗ lực để phục hồi kinh doanh, trước khi bàn giao lại doanh nghiệp cho thế hệ kế cận. Ảnh: N.M

Tôi thấy mình còn những món nợ, những trách nhiệm với cử tri cần phải trả, muốn mang tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp vào để giúp Quốc hội đưa ra những các chính sách kinh tế tốt hơn.... Tôi có nói với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM là khóa trước đã vinh dự khi được họ giới thiệu và trúng cử. Tuy nhiên, khóa này tôi mong Hiệp hội trao cơ hội cho người khác nên mới tự ứng cử, còn trúng cử hay không là phụ thuộc vào cử tri.

- Trên cương vị đại biểu, ông thấy mình đã đóng góp được những gì trong Quốc hội khóa XIII?

- Trong 2 năm đầu tiên khi mới tham gia Quốc hội, và năm cuối tôi có khá nhiều đóng góp khi rất tích cực phát biểu và đưa ra ý kiến. Thời gian giữa kỳ có ít hơn do ảnh hưởng của những khó khăn chung khi 70% doanh nghiệp cả nước chịu cảnh thua lỗ, và tôi cũng rơi vào tình cảnh đó, sức khỏe vì thế cũng giảm sút nhiều. Vừa rồi Quốc hội có thống kê thì số lần tôi phát biểu tại hội trường khoảng hơn 15 lần. Có nhiều lần tôi đăng ký nhưng không đến lượt do Quốc hội còn phải dành cơ hội cho đại biểu khác.

Tôi cũng đóng góp ý kiến tại họp tổ và gửi văn bản tổng cộng là hơn 100 kiến nghị. Có một số ngày tôi không đến dự họp được chủ yếu do điều trị bệnh và có sự chấp thuận của Quốc hội.

- Nếu trúng cử Quốc hội tới đây thì ông sẽ chọn hình ảnh nào cho mình: Một doanh nhân năng nổ phát biểu và thẳng thắn như 2 năm đầu khóa XIII hay một đại biểu trầm lặng của những năm sau này?

- Tôi sẽ không chọn hình ảnh của 2 năm đầu, cũng không chọn 2 năm cuối mà sẽ chọn cách mềm mỏng nhưng kiên quyết và hiệu quả hơn. Điều gì mình có thể viết kiến nghị cụ thể rõ ràng thì viết rồi đến gặp trực tiếp các Bộ trưởng, chính quyền địa phương để trao đổi. Trước Quốc hội, tôi sẽ chỉ tập trung phát biểu những vấn đề lớn, hoặc bức xúc nóng hổi của người dân, doanh nghiệp... Tôi cũng muốn thuyết phục các đại biểu khác vận động cùng, làm sao để đạt được các kiến nghị đó mới là quan trọng.

- Vậy còn việc kinh doanh hiện nay của ông ra sao?

- Nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, số nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khả quan nên các khu công nghiệp của chúng tôi đã hoạt động tốt. Tổng các khoản nợ phải trả hiện đã giảm hơn một nửa, còn khoảng 40%. Năm sau trả được nhiều hơn năm trước.

Tất nhiên với doanh nghiệp thì giảm nợ không phải hoàn toàn tốt vì điều đó đi liền với thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, thực tế ngày xưa chúng tôi đầu tư lan man, giờ thu hẹp lại nhưng lĩnh vực chính vẫn luôn mở rộng.

- Thực tế, một số doanh nghiệp của ông vẫn gặp khó khăn như Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Ông nói sao về điều này?

- Mấy năm trước SQC từng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế hàng đầu ở tỉnh do giá thị trường khá cao. Tuy nhiên, gần đây thị trường kim loại cả Việt Nam và thế giới đều đang đi xuống, nhu cầu giảm, việc xuất khẩu khó khăn hơn. Tuy nhiên, thị trường này thường diễn biến theo quy luật. Theo tính toán của chúng tôi, khoảng cuối năm nay, đầu năm sau giá sẽ phục hồi. Tầm này năm ngoái, chúng tôi bán lỗ còn chẳng ai mua nhưng năm nay đã có người mua, mặc dù vẫn phải bán giá thấp.

Chúng tôi đang nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, tính toán xu hướng để chọn thời điểm khai thác dự trữ và sản xuất tồn kho chờ giá lên thì bán. Cũng giống như năm 2009, chúng tôi đã chế biến tích trữ một số lượng đáng kể và đến giữa năm 2010 thì bán ra với giá gấp 3 lần.

- Sau những sóng gió như vậy, cách kinh doanh của ông có gì khác trước?

- Như tôi đã nói, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào những hoạt động cốt lõi, có hiệu quả hơn là khu công nghiệp vì quỹ đất chúng tôi còn nhiều và tiềm năng của thị trường đang tốt. Một phần lợi nhuận từ đó sẽ được dùng để hỗ trợ lĩnh vực còn yếu kém.

Hiện các ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay lại nhưng tôi sẽ không nhận giải ngân một cục để đi đầu tư dàn trải như trước. Tôi đề nghị họ giải ngân theo tiến độ và kiểm soát chặt chẽ để không bị sa đà.

Tuy việc làm ăn trong các doanh nghiệp đã tốt lên nhưng số nợ trước đây chúng tôi vẫn đang phải trả lãi nên lợi nhuận bị giảm. Tôi cũng hứa với cổ đông là những gì gây ra, tôi sẽ làm việc cật lực để trả hết. Sau đó tôi sẽ bàn giao dần công việc cho các thế hệ tiếp theo để có thêm thời gian hoạt động xã hội, chăm lo gia đình và sức khỏe.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn