Có khi nào nhìn vào bức ảnh quảng cáo hay video về đĩa gà nướng vàng ruộm, những lát dưa chuột xanh mởn rắc thêm chút nước sốt sáng bóng khiến bạn phải nuốt nước miếng chưa? Hình ảnh không chỉ "truyền cảm hứng đói" mà trong bản hòa tấu của cảm xúc một cách thì thầm, chúng nói với bạn rằng "hãy đến và ăn tôi đi".
Trong thế giới của quảng cáo, có một mảng dành cho thực phẩm. Không giống như những hàng hóa khác, thực phẩm đẹp tự nó đã là một công trình nghệ thuật, khiến những bức ảnh quảng cáo chẳng cần có sự xuất hiện của con người.
Sự khác biệt giữa món ăn có và không có sự tham gia của food stylist. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, sự thật là mọi sự sắp xếp tưởng như ngẫu nhiên, vô tổ chức của món ăn đó lại là hàng giờ, thậm chí hàng tuần lao động của những food stylist. Không chỉ là những đầu bếp giỏi, họ còn là những người có óc sáng tạo, tổ chức, sắp xếp, thẩm mỹ và khả năng thấu hiểu tốt, để hình ảnh quảng cáo có thể khiến người tiêu dùng phát thèm và mở ví một cách hài lòng.
Mặc dù rất ít food stylist làm việc toàn thời gian, nhưng thu nhập của họ vẫn rất cao, thông thường sẽ là 33.000 - 75.000 USD mỗi năm (theo thống kê của Simple Hired). Thậm chí, con số với những chuyên gia hàng đầu trong ngành này có thể lên tới 120.000 - 144.000 USD một năm.
Để có thể trở thành một food stylist, yêu cầu đầu tiên là phải hiểu biết rõ về thực phẩm. Không chỉ hiểu rõ như một đầu bếp về mùi vị, cách nấu, stylish còn phải biết rõ về cách thực phẩm phản ứng với ánh sáng, nước, cách phối màu trên một phông nền đơn sắc. Họ thậm chí còn là những người "làm giả thực phẩm" tinh vi, bởi không phải tất cả những thứ mà stylist chụp lại đều là đồ có thể ăn được.
Mari Williams là một food stylist, chuyên cung cấp ảnh thực phẩm cho BBC. Một trong số những dự án khiến cô nhớ nhất là thực hiện hình ảnh quảng cáo cho một công ty bán lúa gạo.
"Những đau đớn chậm rãi hằn trên đầu ngón tay khi bạn phải chọn trong hàng kg gạo những hạt có chiều dài, kích thước, màu sắc nhất định và sắp xếp chúng trên một format định sẵn bằng nhíp. Công việc rút kiệt sự kiên nhẫn với hàng giờ ngồi nhặt gạo. Thậm chí có lần tôi phải kết hợp 52 con cá sống trên một tấm ảnh. Khi đó hậu cần là khăn giấy trong mũi và nước rửa tay lúc về nhà", Williams nói.
Phía sau một tác phẩm tưởng chừng đơn giản là hàng giờ lao động và những kỹ năng đặc biệt của một food stylist. Ảnh: BBC. |
Thông thường, một ngày làm việc của một food stylist bắt đầu từ 6h30 sáng bằng việc đi tới siêu thị. Họ tranh thủ mua tất cả những thứ có thể cần thiết trên đường đến studio hoặc đến nhà hàng. Sau đó bắt tay vào công việc make up cho thực phẩm.
"Có hàng trăm thứ phải để tâm, dù yêu cầu của khách hàng có khi chỉ là chụp một chiếc bánh mỳ. Nền màu gì, kích thước bánh ra sao, màu sắc, phết bao nhiêu bơ hay bột lên sản phẩm là đủ... đều chỉ có thể rút ra được sau hàng chục, thậm chí hàng trăm lần thử", Adam Pearson, một food stylist sống ở Los Angeles nói trên Huffington Post.
Nhưng không phải lúc nào những món ăn ngon mắt trên các tờ tạp chí hay video thực phẩm cũng ngon miệng, thậm chí là ăn được. Để có thể tạo nên những giọt nước lăn nhẹ trên miệng ly, food stylist có thể sử dụng glycerin để tạo độ lỳ và bám dính; sử dụng keo trên ngũ cốc để giữ chúng theo đúng ý tưởng; thay vì nấu chín rau thì chỉ trần qua nước nóng hay nướng gà bằng súng nhiệt chứ không phải bằng lò điện.
"Nhiều người nói về chuyện các food stylist đánh vecni lên gà để chúng có màu cánh gián ngon lành, nhưng đó không phải sự thật. Đôi khi có những thứ là đồ giả, như kem chẳng hạn (vì kem không thể giữ được định hình ban đầu dưới sức nóng của ánh đèn studio), nhưng chúng vẫn ăn được, tất nhiên là chẳng ngon lành gì", Adam Pearson chia sẻ.
Theo Zing