Theo số liệu của Sở Du lịch TP.HCM, tổng lượng khách quốc tế đến TP trong quý I/2016 ước đạt 1,37 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỉ lệ 44,08% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nghèo nàn đủ thứ
Dù mục tiêu đón du khách tới TP.HCM đều đạt trong bối cảnh kinh tế còn khó nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng du lịch TP vẫn chưa có điểm nhấn khi đang vắng những sự kiện mang tầm vóc quốc tế để thu hút khách ngoại. Các hãng lữ hành khi được hỏi sản phẩm du lịch mới của TP đều lắc đầu: “Không có gì mới”.
Thực tế sau 20 năm, du khách đến TP vẫn trải nghiệm những địa điểm từ nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi... Gần đây có thêm tour du lịch đường sông kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn nhưng từ khi khai trương đến nay liên tục gặp khó khăn do khi giấy phép hết hạn, lúc phải dừng đón khách vì thiếu các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu tối thiểu của du khách từ nhà vệ sinh, giải khát, quầy lưu niệm, điểm giữ xe... Cũng vì sản phẩm du lịch gần như không mới nên các hãng lữ hành phải giới thiệu điểm đến ở các địa phương khác, TP.HCM chỉ là nơi trung chuyển.
Nhưng gần đây, ngay cả vai trò trung chuyển của TP.HCM cũng đang bị hàng loạt địa phương qua mặt. Các đường bay thẳng từ nước ngoài như Nga, Singapore qua Phú Quốc với giá vé máy bay rất rẻ, du khách không cần ghé qua TP.HCM như trước. Nha Trang cũng có đường bay thẳng từ Nga, rồi Đà Nẵng có bay thẳng từ Campuchia, Thái Lan... Trong khi đó, những vấn đề tồn tại của ngành du lịch TP đến giờ vẫn chưa được cải thiện.
Ngay chuyện xúc tiến du lịch, sau một hồi “mò mẫm” tìm kiếm từ khóa là “Sở Du lịch TP.HCM”, người viết chỉ tìm thấy website của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP (cũ), trong đó có mục “Du lịch” với những thông tin cập nhật cách đây... vài năm. Chỉ đến khi gõ hẳn từ khóa “sodulich.hochiminhcity.gov.vn”, mới ra website mới của cơ quan này nhưng thông tin khá nghèo nàn. Các mục “Sản phẩm du lịch” và “Thông tin cần biết” gần như không có gì. Ngay cả Trung tâm Xúc tiến du lịch TP đã được thành lập theo quyết định của UBND TP từ năm 2012 nhưng đến giờ cũng chưa có website riêng để quảng bá du lịch TP.
“Rất nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam không qua công ty du lịch mà tự túc hoặc đi theo dạng “phượt”, hay du khách ở các địa phương khác muốn đến TP du lịch cần tìm thông tin chính thống đều không có. Trong khi cả Sở Du lịch và Trung tâm xúc tiến đều không đầu tư bài bản cho website vốn được xem là “bộ mặt” du lịch của mình thì làm sao thu hút du khách?” - đại diện một công ty du lịch nói.
Cám cảnh nhìn sang tỉnh bạn
Vài ngày trước, đoàn du khách Việt bay charter (thuê bao nguyên chuyến) của một công ty du lịch đã qua Nhật bắt đầu mùa lễ hội hoa anh đào. Điểm đến đầu tiên ở tỉnh Fukushima và đại diện công ty cho biết họ rất bất ngờ khi thấy lãnh đạo địa phương này hết “lăn lộn” sang Việt Nam thăm DN rồi lại hỗ trợ hết mình cho DN lữ hành đưa khách đến địa phương của họ.
Đến ngày du khách tới sân bay, lãnh đạo địa phương ra tận sân bay đón đoàn khách đầu tiên rồi giới thiệu từng điểm tham quan, từng khách sạn... “Họ làm du lịch rất chuyên nghiệp và hết lòng. Thấy nước ngoài làm du lịch, tiếp đón du khách Việt Nam sang, dễ hiểu vì sao DN mặn mà đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài” - vị đại diện công ty này gật gù.
Ngay ở trong nước, hãy nhìn Đà Nẵng - vị chuyên gia du lịch dẫn chứng, họ đã biến tài nguyên du lịch thành điểm đến hấp dẫn. Bởi cách đây khoảng 10-15 năm, Đà Nẵng không phải là điểm đến và Bà Nà cũng không được nhiều du khách quan tâm. Nhưng vài năm nay, địa phương này đã xây dựng hàng loạt điểm đến thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Nạn chèo kéo, ăn mày, hàng rong và làm phiền du khách cũng không nhiều. Sau khi TP.Đà Nẵng xây dựng nhiều cây cầu ấn tượng, họ còn khai thác cả tour đường sông ban đêm trên sông Hàn và nhất là đặc sản lễ hội bắn pháo hoa quốc tế.
“Giờ Đà Nẵng không chỉ là nơi xứng đáng để sống mà còn để đi du lịch, tại sao TP.HCM cũng có sông Sài Gòn, có làng nghề hấp dẫn nhưng không làm được? Tại sao bao nhiêu năm nay những bến thuyền, bến tàu ở khu vực Công viên Bạch Đằng vẫn chưa xử lý xong?” - vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Chưa bảo đảm an toàn Cách đây gần 2 tháng, tại một cuộc họp về ngành du lịch trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đã khuyến cáo ngành du lịch TP cần tổ chức ngay một hội nghị về bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và phải mời cả lãnh đạo cao nhất đến dự để giải quyết triệt để những vấn đề liên quan. Vài ngày sau, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ở TP, đại diện Sở Du lịch TP cho biết đã nhận được hàng trăm văn bản của Tổng Lãnh sự quán Nhật, Úc; Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP thông báo về việc công dân các quốc gia vùng lãnh thổ này bị cướp giật, trộm cắp khi đến Việt Nam du lịch, học tập và làm việc. |
Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ: Do mạnh ai nấy làm Vai trò của cơ quan quản lý ngành du lịch trong liên kết các DN lữ hành trên địa bàn TP chưa tròn. DN mạnh ai nấy làm, cạnh tranh rồi cùng kéo nhau đi xuống. Ngay như Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa của TP, sau bao nhiêu năm họp bàn và đến giờ chưa có một sản phẩm chung để bán. Hoạt động của nhóm chỉ dừng lại ở việc khai thác vé máy bay giá rẻ có lợi cho du khách rồi mạnh ai nấy bán. Trong khi nhìn qua Thái Lan, vì sao phát triển sản phẩm du lịch rất tốt, vì cạnh tranh của họ là dựa trên chất lượng, còn các điểm đến, tiêu chuẩn khách sạn, tiêu chuẩn ăn đều giống nhau. Mới đây, Sở Du lịch TP có tổ chức cho lữ hành đi khảo sát những làng nghề hội họa, làng nghề trên sông ở quận 2, 9 khá hấp dẫn nhưng bước tiếp theo cần động thái tiếp tục ràng buộc để các bên ký kết, ưu đãi, những hành động cụ thể để duy trì hoạt động của làng nghề và đưa du khách tới lại chưa thấy đả động. Quan trọng hơn du lịch TP sẽ khó thay da đổi thịt nếu thiếu sự hợp tác giữa các sở, ban, ngành từ an ninh an toàn cho du khách, thiếu nhà vệ sinh, bán hàng rong chèo kéo, quán xá chặt chém... Sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn của TP cần đẩy mạnh để tạo đột phá là những dòng kênh, dòng sông, tour liên tuyến nhưng muốn làm được cần vai trò của cơ quan quản lý để liên kết các DN với nhau. ÔngPHAN XUÂN ANH, Cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng: Sức hút không còn Trước đây, khi TP.HCM còn là điểm trung chuyển thì du khách ít nhất ở lại 1-2 đêm, nay sức hút của TP không bằng các địa phương khác dù là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Bài toán của ngành du lịch TP là cần xây dựng được hình ảnh cho du khách rằng là phải đến TP mới được xem là đã tới Việt Nam hoặc đi trọn Việt Nam. |