Ảnh minh họa |
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt mong muốn các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước EU cần cung cấp thêm cho doanh nghiệp các thông tin về cơ chế đấu giá, giá cả, các rào cản kỹ thuật của các thị trường, cũng như thông tin về các đối thủ cạnh tranh, để doanh nghiệp chuẩn bị phương án khi tham gia đấu thầu.
Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ để tiếp cận các công ty phân phối tại các thị trường và được tư vấn trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tìm cách xây dựng thương hiệu gạo Việt, chế biến các sản phẩm gạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của EU để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường này.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, các chương trình xúc tiến thương mại gạo Việt Nam tại Pháp và Hà Lan đã giúp doanh nghiệp Việt từng bước xây dựng hình ảnh gạo của Việt Nam với chất lượng, bao bì, mẫu mã có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của Thái Lan và Campuchia. Đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về thị trường EU và mở rộng những cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU.
Theo PLO