Vụ thị trường châu Âu cho biết, hiện nay, khoảng 20 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo và nông sản Việt Nam đang tìm hiểu cơ chế chính sách về quy định nhập khẩu mặt hàng gạo và nông sản vào thị trường EU và tìm hiểu cụ thể thị trường gạo EU nhằm đánh giá cơ hội của gạo Việt Nam tại thị trường này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tìm cách xây dựng thương hiệu gạo Việt, chế biến các sản phẩm gạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của thị trường châu Âu để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường này.
Nói về những vướng mắc và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cho rằng, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước cần cung cấp thêm cho doanh nghiệp các thông tin về cơ chế đấu giá, giá cả, các rào cản kỹ thuật của các thị trường, cũng như thông tin về các đối thủ cạnh tranh, để doanh nghiệp chuẩn bị phương án khi tham gia đấu thầu. Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ tiếp cận các công ty phân phối tại các thị trường và được tư vấn trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Về phía châu Âu, các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá rất cao thế mạnh cũng như khả năng cung ứng gạo của Việt Nam. Việc thâm nhập vào thị trường cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tại nơi đây sẽ không phải là điều quá khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo Vụ thị trường châu Âu, thị trường EU là một thị trường lớn và có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm gạo của Việt Nam. Các chương trìnhxúc tiến thương mại gạo Việt Nam tại Pháp và Hà Lan đã giúp doanh nghiệp Việt từng bước xây dựng hình ảnh gạo của Việt Nam với chất lượng, bao bì mẫu mã có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của Thái Lan và Campuchia, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về thị trường EU và mở rộng những cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU.
Đánh giá việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường mới, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thâm nhập các thị trường mới sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhằm đẩy mạnh việc nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổng kết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2016. Theo đó, tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước tính đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu gạo tháng 3 đạt 629.000 tấn, tương đương với giá trị đạt 274 triệu USD. Với mức tiêu thụ này, Indonesia được xem là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần đạt hơn 31%, tiếp đến là Trung Quốc với 17%.
Theo Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt từ 7 đến 8 triệu tấn/năm và đạt số lượng ổn định. Các thị trường chính đẩy mạnh xuất khẩu là châu Á, châu Phi, trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất (75%), châu Phi chiếm 12 - 15%. Châu Âu được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng phát triển sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực.
Theo Một Thế Giới