Tại cửa hàng gạo chợ Văn Thánh, Bình Thạnh, TP.HCM chỉ riêng gạo tám cũng có cả chục loại như: tám Thái, tám xoan Hải Hậu, tám Điện Biên, thậm chí còn có cả tám Lào, tám Campuchia, tám Thái xanh nhập khẩu… Với gạo lứt thì có lứt đỏ, lứt tím, lứt Bắc hương, hay gạo mầm cũng xuất hiện 4-5 sản phẩm như gạo mầm nghệ, gạo mầm thanh long, gạo mầm omega …
Chủ cửa hàng tại đây cho biết, mặc dù các sản phẩm này cùng được sản xuất ra từ một chủng loại gạo tương đồng, tuy nhiên, tùy vào giá trị cộng thêm của mỗi loại gạo và đơn vị cung cấp mà sản phẩm có mức giá chênh lệch nhau. Cụ thể, gạo lứt Bắc hương có giá 18.000 đồng một kg, nhưng gạo lứt đỏ lại tới 27.000-28.000 đồng, gạo lứt omega 3 có giá 34.000-35.000 đồng một kg.
“Các sản phẩm này mới chỉ bán ở thị trường một năm trở lại đây nhưng được khá nhiều khách ưa chuộng, ngay cả các nhà hàng, khách sạn cũng đặt mua”, chủ cửa hàng này cho biết.
Bên cạnh các sản phẩm gạo lứt, tại cửa hàng ở quận 5, còn xuất hiện khá nhiều sản phẩm gạo dinh dưỡng với đủ các chủng loại, kết hợp với các loại trái cây như gạo mầm nghệ, gạo mầm thanh long, gạo mầm tỏi đen, gạo mầm gấc… giá dao động 60.000-80.000 đồng hộp 1kg. Các sản phẩm này cũng thuộc dòng gạo lứt nhưng được lên men, kích hoạt tạo nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, gạo còn bổ sung tinh chất nghệ tươi hay các loại trái cây khác giúp phát huy thêm những tính năng tốt cho sức khỏe.
Thị trường xuất hiện rất nhiều loại gạo. |
Cùng với dòng sản phẩm gạo thông thường, gạo mầm, thì dòng gạo nếp gần đây cũng đa dạng chủng loại. Ngoài nếp cái hoa vàng, nếp Điện Biên, còn xuất hiện các loại gạo lứt nếp, gạo nếp Tú Lệ… giá cả hấp dẫn hơn nhiều so với các dòng trước đây, dao động 20.000-40.000 đồng một kg.
Chủ một cửa hàng chuyên bán gạo ở chợ Hòa Bình cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào dòng sản phẩm có giá trị thấp thì nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Đặc biệt, các sản phẩm gạo "lạ" có mặt trên thị trường dày đặc hơn so với những năm trước đó.
“Nếu trước đây tôi chỉ bán gạo lứt thông thường thì nay dòng này tại cửa hàng có 4-5 loại được nhập từ nhiều nơi khác nhau, giá chênh 4.000-6.000 đồng một kg", tiểu thương này nói.
Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu dòng sản phẩm mới, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết, cũng đang hỗ trợ nông dân tham gia vào việc cung cấp nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm lạ cho thị trường Việt, đồng thời, có thể xuất ra nước ngoài. Riêng với dòng sản phẩm gạo mầm trái cây, công ty đang thử nghiệm và mới chỉ xuất hiện số lượng nhỏ trên thị trường, đa phần là để giới thiệu.
Ông cũng cho hay, trước đó, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm gạo mầm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Để làm ra sản phẩm này, các công đoạn trong sản xuất luôn mất thời gian hơn so với các sản phẩm thông thường, nên giá cao hơn.
"Mặc dù các sản phẩm này chưa phổ biến nhiều trên thị trường nhưng thời gian tới công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều dòng sản phẩm lạ hơn nữa để góp phần gia tăng giá trị cho gạo Việt, tạo sự đa dạng trên thị trường", lãnh đạo đơn vị này nói.
Ngoài Lộc Trời, hiện trên có 3-4 doanh nghiệp cùng nông dân tiến hành nghiên cứu cho ra thị trường các chủng loại gạo thảo dược tốt cho sức khỏe, đặc biệt, nhiều đơn vị còn đưa tên của chính mình vào tên gọi của sản phẩm để làm phong phú thêm cho thị trường gạo trong nước.
Đánh giá về thị trường gạo thời gian gần đây, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhìn nhận, thị trường gạo trong nước đã có nhiều nhân tố lạ với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới trên thị trường. Đặc biệt, đối với các sản phẩm gạo có thêm các gia vị riêng như gạo nghệ, gạo thanh long... đa phần là những sản phẩm có nét giống với gạo của Italy. Tuy nhiên, để sản xuất đại trà với số lượng lớn thì doanh nghiệp nên cẩn trọng, bởi lẽ, các sản phẩm này thường có đối tượng khách hàng riêng và số lượng này cũng không quá lớn.
"Gạo Việt dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực sự tới nay vẫn chưa có một thương hiệu nào để lại dấu ấn trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Các sản phẩm mới làm ra đa phần của các doanh nghiệp nhỏ, thiếu sự hướng dẫn và hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nên tôi nghĩ các sản phẩm lạ xuất hiện trên thị trường nếu không có cách truyền thông, bán hàng tốt thì cũng chỉ lóe lên rồi vụt tắt", ông Xuân nói.
Bên cạnh đó, Giáo sư Xuân cũng nhận định thị trường gạo Việt còn thiếu chuyên nghiệp. Nếu như Campuchia, Thái Lan mua bán gạo có kế hoạch, lộ trình và được kiểm tra khắt khe bởi những bộ quy chuẩn thì Việt Nam chưa làm được điều này. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt làm gạo theo kiểu mua đại trà của thương lái với đủ loại sản phẩm rồi đặt cho chúng nhiều cái tên khác nhau khiến sản phẩm tụt lại phía sau, trong khi các nhà nhập khẩu ngày càng đưa ra yêu cầu cao, đòi hỏi sản phẩm ngon và có thương hiệu.
Theo VNE