Tranh nhau mua lúa gạo

Thứ bảy, 19/03/2016, 10:38
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang cao hơn Thái Lan nên khó bán.

Đã xuất hiện tình trạng thương lái tích trữ lúa gạo rất nhiều để chờ giá lên cao. Nông dân cũng giữ lúa, không bán dù giá cao.

Giá cao vẫn khó mua

Ở tỉnh Tiền Giang, thương lái đang lùng sục tìm mua lúa của nông dân. Thậm chí nhiều thương lái phải nhờ “cò” lúa nhưng vẫn không mua được bao nhiêu.

Đang ngồi giữ đống lúa to đùng, thương lái Nguyễn Văn Hải ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy khoe: “Tôi đã trữ được trên 170 tấn lúa các loại. Với giá lúa tăng 700-1.000 đồng/kg so với trước đây, sau khi trừ chi phí, tôi có thể lãi trên 100 triệu đồng. Năm nay, hạn hán gay gắt và tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tốt nên tôi quyết định vay tiền để mua tạm trữ lúa”.

Ông Hồ Văn Minh, thương lái mua lúa ở tỉnh Đồng Tháp đã dự trữ được gần 100 tấn lúa IR50404, OM 4900 và đang tìm mua thêm khoảng 50 tấn nữa. Tuy vậy, ông Minh than thở: “Tôi đậu ghe ở vùng này gần ba ngày rồi mà chỉ mua được trên năm tấn lúa. Nhiều nông dân chất lúa đầy nhà mà không chịu bán”.

Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm nhận định: “Hiện các công ty lương thực đang phải mua lúa gạo với giá rất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài thời điểm giá còn thấp”.

Việc các doanh nghiệp và thương lái tranh nhau mua đã đẩy giá lúa gạo liên tục tăng cao. Lúa khô IR 50404 hiện khoảng 5.600-5.700 đồng/kg, lúa Jasmine 85 giá 6.100 - 6.200 đồng/kg.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho hay: “Giá lúa đã tăng khoảng 500 đồng/kg so với đầu vụ. Giá lúa tăng đều ở tất cả tỉnh, thành trong vùng”.

Vận chuyển lúa ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Vì sao tăng mạnh?

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo “nhảy múa”, nhiều ý kiến cho rằng do năng suất, sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm do bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến giữa tháng 2 vừa qua, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000ha, chiếm gần 22% toàn vùng. Trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000ha. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa gạo chờ giá cao nữa mới bán.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 117%.

Xuất khẩu tăng đột biến là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm ngoái còn nhiều, đặc biệt là các hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc. Tuy vậy VFA lưu ý mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.

Đại diện một số công ty lương thực cũng nhìn nhận giá lúa gạo bị đẩy lên cao do ai cũng có tâm lý cho rằng hạn hán dẫn đến thiếu lúa gạo, thậm chí có cả tâm lý đầu cơ.

“Đúng là hạn và xâm nhập mặn góp phần làm tăng giá lúa gạo. Nhưng có thể tới đây mặt hàng này sẽ giảm vì với mức giá cao như hiện nay thì gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các nước” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cảnh báo.

Chủ động sẽ giảm thiệt hại

Giá lúa gạo tăng cao có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại “méo mặt”. Bởi mức giá gạo cao không tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thậm chí có công ty không dám thu mua.

“Với một loại gạo cùng phẩm cấp, lâu nay gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá cao hơn so với gạo Thái Lan. Thế nhưng hiện giá gạo 5% tấm ở trong nước 380-390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên chúng ta rất khó bán cho thị trường thế giới” - ông Bình dẫn chứng.

Song với các công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu với nông dân thì không gặp nhiều khó khăn. Đơn cử Công ty Trung An nhờ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nên đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho các đơn hàng xuất khẩu và ký được giá tốt. Tính đến hết quý I-2016, công ty này đã ký được hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn gạo các loại. Đặc biệt các đơn hàng đều là gạo thơm chất lượng cao với giá thấp nhất 420 USD/tấn, cao nhất 780 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo cấp thấp tăng hơn 20 lần

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết vụ đông xuân năm nay không đề xuất thu mua tạm trữ lúa gạo như các năm trước. Bởi với mức giá cao như hiện nay, mua tạm trữ là không cần thiết.

Cũng theo VFA, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu gạo nước ta trong hai tháng đầu năm nay tăng mạnh. Cụ thể gạo trắng tăng 4,7 lần, gạo thơm tăng 48%, gạo cấp thấp tăng hơn 20 lần và nếp tăng 3,7 lần.

Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm tăng mạnh nhưng hợp đồng còn lại chưa thực hiện vẫn còn nhiều, gần 1,4 triệu tấn. Điều này sẽ giúp giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới.

QUANG HUY

Nông dân phấn khởi

Nhiều nông dân ở Cà Mau, Long An, Đồng Tháp… cho hay năm nay lúa thu hoạch bao nhiêu đều được thương lái, doanh nghiệp thu mua hết, không bị ép giá như trước đây.

Anh Phan Văn Tuấn, nông dân ở xã Phong Thạnh Tây A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu tính toán với giá lúa bình quân 5.300 đồng/kg như những ngày qua, anh lãi khoảng 56%. Cụ thể, 1 ha lúa của anh với năng suất ước đạt 7,5 tấn, sau khi trừ chi phí khoảng 17 triệu đồng, lãi 22 triệu đồng. “Giá lúa như thời điểm này khiến nông dân rất phấn khởi vì có lời” - anh Tuấn nói.

Theo PLO

Các tin cũ hơn